Tất cả chuyên mục

Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh), trên địa bàn huyện Tân Trụ vừa xảy ra 2 ổ dịch tả heo châu Phi mới tại hộ nuôi ở xã Tân Bình và thị trấn Tân Trụ.
Lứa heo sau cai sữa của chị Lương chỉ còn lại vài con
Đây là một trong hai ổ dịch vừa xảy ra trên địa bàn huyện Tân Trụ
Đàn heo 35 con của chị Cao Thị Lương, ở ấp 3, xã Tân Bình hiện chỉ còn 18 con gồm 15 heo choai khoảng 40kg/con và 3 heo nái. Đây là một trong 2 ổ dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại huyện Tân Trụ. Ngày 4/11 vừa qua, ngay khi heo có dấu hiệu đỏ mình, đi phân ướt, chị báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để xử lý.
Anh Phan Thọ Liêm, Cán bộ thú y xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An cho biết về tình hình chống dịch tại địa phương: “Đối với tình hình dịch bệnh xảy ra trên xã, hàng tuần, 2-3 bữa mình xuống mấy hộ chăn nuôi heo mình tuyên truyền cho người ta sớm phòng chống dịch bệnh, nếu mà có bệnh, heo chết phải báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để kịp thời tiến hành tiêu hủy, tiêu độc khử trùng để tránh lây lan qua những xã còn lại”.
Chị Cao Thị Lương (giữa) vừa tái đàn heo sau hơn nửa năm ngừng kể từ đợt dịch hồi năm ngoái
Đợt dịch tả heo Châu Phi năm rồi, nhà chị Lương cũng bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng vì gần 50 con cả heo thịt và heo nái đều nhiễm bệnh, ngưng khoảng nửa năm chị mới tái đàn thì lại tiếp tục xảy ra dịch bệnh, phải tiêu hủy 17 con heo sau cai sữa, ước tính lỗ hơn 100 triệu đồng. Chị Lương cho biết: “Trong chuồng chỉ có 1 mình mình đi ra vô thôi, ngoài ra không có ai vô tới chuồng heo hết, cũng hổng biết nó lây lan bệnh từ đâu nữa. Cũng chích thuốc, phun độc sát trùng chuồng ngày 2 lần, buổi sáng, buổi chiều, tối thì đốt nhang muỗi. Cũng do dự thấy người ta nuôi chuồng mình mới làm mà bỏ thấy lãng phí quá, tính nuôi để kiếm thêm thu nhập mà nó mắc vậy hổng biết sao”.
Ngay sau khi xảy ra dịch bệnh, số heo chết đã được tiêu hủy
Để chủ động phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, chính quyền địa phương tập trung nguồn lực chống dịch, dập dịch, không để lây lan diện rộng và hỗ trợ người dân tiêu hủy heo bệnh. Đối với những ổ bệnh đang còn vật nuôi, nông hộ được hướng dẫn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học.
Hiện xã đã phối hợp với hộ nuôi tiến hành các biện phát vệ sinh, khử trùng để tránh lây lan
Ông Nguyễn Ngọc Thanh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Bình, huyện Tân Trụ cho biết về tình hình xử lý ổ dịch của xã: “Xã đã tiến hành phun thuốc, một số hộ mình phát thuốc để người dân chủ động trong công tác tiêu độc khử trùng. Xã hiện nay tập trung chủ yếu công tác tuyên truyền, đối với trường hợp tả Châu Phi rút kinh nghiệm năm 2019 thì cũng nên khuyến cáo người dân không tái đàn để tránh thiệt hại về sau, nguồn bệnh tiếp tục lây lan trong người chăn nuôi. Nếu mình không tập trung giải quyết dứt điểm thì nguồn bệnh sẽ kéo dây dưa từ năm này sang năm khác, thiệt hại cho người chăn nuôi rất lớn”.
Ngoài xã Tân Bình, huyện Tân Trụ còn phát hiện một ổ dịch tại thị trấn Tân Trụ. Trước sự xuất hiện trở lại của dịch tả heo Châu Phi, để bảo vệ tổng đàn heo của huyện với khoảng 9.600 con, ngành chức năng đề nghị hộ nuôi tăng cường vệ sinh chuồng trại, thực hiện tốt 5 không là không giấu dịch; không buôn bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt./.
Thanh Thủy – Võ Huy
Ý kiến ()