Tất cả chuyên mục

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) đã có hiệu lực và theo đó, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80 nghìn tấn gạo mỗi năm, với mức thuế suất 0% đối với gạo xay xát và gạo thơm; đồng thời, xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở tỉnh Long An phấn khởi và ngày càng quan tâm nâng cao chất lượng để vào thị trường EU.
Long An có khoảng 30 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Năm 2019, lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 645 nghìn tấn, doanh thu 298 triệu USD. Trong 9 tháng năm 2020, Long An đã xuất khẩu được hơn 400.000 tấn gạo, giá trị gần 300 triệu USD. Trong đó, gạo đã xuất khẩu sang khoảng 40 nước, vùng, lãnh thổ như Philippines, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc), châu Phi, Trung Quốc, Indonesia, Singapore,…Riêng xuất khẩu sang châu Âu, Long An có 2 doanh nghiệp, nhưng sản lượng xuất khẩu rất ít. Trong 9 tháng năm 2020, các doanh nghiệp lương thực tỉnh Long An xuất sang EU chỉ khoảng khoảng hơn 120 tấn.
Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho cho Việt Nam hạn ngạch 80 nghìn tấn gạo mỗi năm với thời gian kéo dài hạn ngạch liên tiếp trong vòng 5 năm, với mức thuế suất 0% đối với gạo xay xát và gạo thơm. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp lương thực cả nước, trong đó có Long An.
Theo nhận xét của các doanh nghiệp, thị trường EU có yêu cầu rất cao về hàng hóa, nhất là thực phẩm, trong đó có gạo vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp của tỉnh phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng về: chất lượng, bảo vệ môi trường, các công ty cần chuẩn bị chu đáo về các điều kiện, tiêu chuẩn, giấy chứng nhận xuất xứ, giấy kiểm dịch, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,… để có thể tham gia vào thị trường gạo EU.
Hữu Minh – Hùng Anh
Ý kiến ()