Tất cả chuyên mục

Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Long An đã gặt hái nhiều thành quả nổi bật và là đơn vị đứng đầu Cụm Tây Nam Bộ về thành tích đạt được trong xây dựng nông thôn mới.
Nông thôn Châu Thành
Xác định việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, Long An đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao vào sản suất trên cây lúa, rau màu, thanh long và con bò thịt, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh cao, tăng thu nhập cho người dân. Theo đó, thu nhập bình quân khu vực nông thôn từ 15,6 triệu đồng/người/năm (2010) đã tăng gấp 3 lần, lên mức 45 triệu đồng/người/năm (2019); khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị từng bước được thu hẹp.
Giao thông nông thôn thuận tiện đồng thời tạo điểm nhấn cho làng quê Long An
Nhiều tuyến đường nông thôn được người dân đóng góp xây dựng
Song song đó, Long An cũng chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Trong đó, phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá. Với phương châm ‘nhà nước và nhân dân cùng làm’ người dân hăng hái, chủ động đóng góp làm đường giao thông nông thôn. Điển hình là anh Nguyễn Công Sang, xã Lạc Tấn, huyện Tân trụ vừa hiến đất vừa hỗ trợ kinh phí làm đường, lắp đèn chiếu sáng với trị giá hàng trăm triệu đồng. Anh Sang phấn khởi chia sẻ ‘tôi cũng ý thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới nên khi chính quyền vận động, gia đình tôi rất vui vẻ đóng góp 1 phần kinh phí để làm đường. Có đường xá rộng rãi, bà con đi lại, vận chuyển nông sản cũng dễ dàng, từ đó nhà cửa xây cất nên khang trang, tạo sự khởi sắc cho bộ mặt nông thôn.’
Mở đường mở ra cơ hội phát triển cho nông thôn
Đến nay, đường giao thông trục xã, trục ấp ngày càng hoàn thiện, tạo đà cho phát triển chung của tỉnh. Trong đó, huyện Tân Trụ và Châu Thành là những địa phương đi đầu trong phong trào đóng góp làm đường giao thông nông thôn. Ông Lê Công Trung – Phó Chủ Tịch UBND huyện Tân Trụ cho biết ‘từ bình quân 6 tiêu chí/xã (năm 2010) đến nay các xã trên địa bàn huyện cũng đã tiếp cận 19 tiêu chí. Trên cơ sở đó, huyện Tân Trụ sẽ phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020. Đặc biệt, một điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đó là phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến nay, các đường làm, ngõ xóm trên địa bàn huyện đều được bê tông đến tận nhà dân, bà con rất phấn khởi.’
Người dân đã lựa chọn NN CNC để sản xuất
Phong trào xây dựng nông thôn mới được Long An triển khai đồng bộ ở tất cả các xã trong toàn tỉnh. Với các giải pháp triển khai quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo. Đến nay, Long An đã có 93/161 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, vượt chỉ tiêu đề ra. Theo đó, huyện Châu Thành và thành phố Tân An được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nói về mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo, ông Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc Sở NN và PTNT Long An cho biết ‘Giai đoạn 2020-2025 Long An phấn đấu 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cụ thể là 142 xã; có 10/15 huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nên tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư nhất là về kết cấu hạ tầng nông thôn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tăng thu nhập cho người dân.’
Sản xuất lúa bằng phương pháp gieo mạ khay
Bên cạnh đó, giai đoạn 2020-2025, Long An đặt ra mục tiêu duy trì, giữ vững kết quả của các xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn trước, đẩy mạnh phát triển nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu hướng tới nông thôn mới giàu có, văn minh và hiện đại./.
Duy Huệ – Võ Huy
Ý kiến ()