Thứ Năm, 09/01/2025 22:02 (GMT +7)

Long An tập trung phát triển hạ tầng Logistics, giao thông vận tải và kho bãi

Thứ 4, 26/07/2023 | 17:18:26 [GMT +7] A  A

Nhằm tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh Long An nói riêng, ĐBSCL nói chung, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối Cảng Quốc tế Long An. Điều này được thể hiện rõ trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An, là “tập trung phát triển hạ tầng Logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong Logistics, ưu tiên đầu tư hạ tầng Logistics tại Cảng Quốc tế Long An”.

Long An tập trung phát triển hạ tầng Logistics, giao thông vận tải và kho bãi

Trong Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Long An được định hướng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia, là đầu mối xuất khẩu nông - thủy sản của vùng ĐBSCL. Theo đó, Logistics được tỉnh Long An tập trung đầu tư thành ngành dịch vụ quan trọng, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối liên vùng là điều kiện tiên quyết để tối ưu chi phí Logistics cho các doanh nghiệp trong khu vực.

Ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL, Chủ Tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An: "Cảng Quốc tế Long An được đầu tư những trang thiết bị hiện đại nhất và chúng tôi số hóa hoàn toàn và đó cũng là thuận lợi để giảm chi phí logistics sắp tới cho các doanh nghiệp. Đầu tư Cảng là lâu dài và vì mục đích phát triển chung trong hoạt động của từng địa phương. Quan trọng là Cảng Quốc tế Long An kết nối tất cả các tỉnh ĐBSCL làm sao cho chi phí vận chuyển thuận lợi, nhanh nhất//làm sao khai thác vận tải đường sông, sẽ giảm bớt áp lực trên đường bộ."

Phát triển hạ tầng giao thông vận tải, kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong Logistics

Là cửa ngõ giữa 2 vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ, Long An có vị trí đặc biệt quan trọng. Hạ tầng giao thông được kết nối nội vùng và liên vùng thuận lợi sẽ là lời giải cho bài toán tiết giảm chi phí Logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong tỉnh và khu vực. Khi chi phí Logistics không còn là trở ngại lớn, các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn đầu tư tại ĐBSCL, từ đó, đảm bảo cho sự phát triển đồng đều vùng ĐBSCL so với các vùng khác trên cả nước./.

Thanh Thủy – Hùng Anh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu