Tất cả chuyên mục

Chiều 14-12-2020, UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị trực tuyến với các sở ngành, huyện, thị xã, thành phố tổng kết đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Ông Phạm Tấn Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, sau 10 năm thực hiện đề án, toàn tỉnh Long An có trên 60.000 lao động khu vực nông thôn được hỗ trợ học nghề miễn phí, trong đó có trên 52.000 lao động có việc làm sau học nghề. Thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để có việc làm tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm, ứng dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp khu vực nông thôn. Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn có ý nghĩa thiết thực góp phần tích cực trong việc hình thành và hoạt động của các tổ hợp tác kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, từ đó tạo thuận lợi cho xây dựng nông thôn mới.
Hội nghị cũng đánh giá vai trò của các trung tâm đào tạo nghề, giới thiệu việc làm với kinh phí, trang thiết bị dạy nghề, vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên và ngân hàng chính sách xã hội trong việc hỗ trợ thực hiện các chương trình đào tạo nghề nông thôn. Các đại biểu tham dự hội nghị cũng nêu ra những khó khăn, hạn chế và kiến nghị các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề phù hợp trong giai đoạn mới, bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng mức cho vay và mở rộng đối tượng cho vay ưu đãi nguồn tín dụng hỗ trợ học nghề.
Ông Phạm Tấn Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, đoàn thể và các địa phương một số nội dung trọng tâm trong việc tiếp tục thực hiện đề án đào tạo nghề nông thôn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó cần quan tâm nhiều hơn nữa công tác giải quyết việc làm sau đào tạo nghề, gia tăng đào tào các ngành nghề phi nông nghiệp để người lao động nông thôn có nhiều cơ hội việc làm tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và có điều kiện nâng cao năng lực nghề nghiệp, chuyển đổi nghề. Ngoài ra, trong tình hình hiện nay, giáo trình dạy nghề nông cho lao động nông thôn cũng cần thường xuyên cập nhật, bổ sung những kiến thức mới phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và thị trường lao động để người lao động nông thôn không những tìm được việc làm trong nước mà còn có thể lao động xuất khẩu. Mục tiêu từ năm 2021-2025, tỉnh Long An phấn đấu đào tạo nghề cho 20.000 lao động ở nông thôn, trong đó 10.000 người học nghề nông nghiệp và 10.000 người học nghề phi nông nghiệp và trên 80% có việc làm sau đào tạo nghề.
Hữu Minh – Đức Cảnh.
Ý kiến ()