Thứ Hai, 20/01/2025 15:32 (GMT +7)

Long An ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn

Thứ 2, 15/05/2017 | 16:14:00 [GMT +7] A  A

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được xem là một trong những giải pháp tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tỉnh hiện vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Bởi hiện nay, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu do những vấn đề về đầu tư, công nghệ.

Theo đề án xây dựng vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Long An phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 2.000 hecta rau ứng dụng công nghệ cao trong vùng sản xuất rau an toàn của tỉnh. Trong đó, huyện Cần Giuộc là địa phương trọng điểm, chiếm gần 1 nửa diện tích với 950hecta, tập trung ở 6 xã vùng thượng. Đây là khu nông nghiệp đa chức năng bao gồm: sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trình diễn, chuyển giao khoa học – công nghệ, ươm tạo cây giống theo phương pháp, nhà màng, thủy canh, giá thể trong nhà lưới…Với những lợi thế sẵn có cộng với truyền thống trồng rau lâu đời và thổ nhưỡng thuận lợi, huyện Cần Giuộc được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư, xây dựng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trồng rau trong nhà lưới. Ảnh minh họa

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực và dần trở thành hướng đi chủ yếu cho nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, tình hình thực hiện chương trình này ở huyện Cần Giuộc còn chậm so với yêu cầu và tiềm năng của huyện. Khi mà vốn đầu tư, nguồn nhân lực hay thị trường tiêu thụ đang là những rào cản không nhỏ cần phải có giải pháp khắc phục để nông nghiệp công nghệ cao có “đất” phát triển.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là mục tiêu mà tỉnh Long An đang hướng tới nhằm phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, tạo ra những bước đột phá mới trong sản xuất và làm cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để lĩnh vực này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đòi hỏi các cấp, ngành “đầu tàu” phải có những giải pháp, chính sách mang tính đột phá hơn./.

Quế Quyên- Võ Huy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu