Tất cả chuyên mục

Xác định rõ quan điểm xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, Long An đã và đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này theo hướng đảm bảo hiệu quả về sử dụng các nguồn lực, toàn diện ở các lĩnh vực, các cấp và bền vững về môi trường.
Một góc Châu Thành, huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh
Đến nay, Long An được đánh giá là một trong những địa phương có phong trào xây dựng nông thôn mới mạnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhận thức của hệ thống chính trị các cấp về xây dựng nông thôn mới chuyển biến rõ rệt, người dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia, hưởng ứng, tạo ra sức lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết: “Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh đã tập trung, cả hệ thống chính trị đã tập trung quyết liệt nên xây dựng NTM đạt kết quả cao hơn kế hoạch đã đề ra. Cụ thể là đã đạt được 95 xã/161 xã, đạt khoảng 59% so với chỉ tiêu đề ra là 50%. Bình quân tiêu chí của một xã hiện nay đã nâng lên 16,6 tiêu chí/xã”.
Các tuyến đường lần lượt được mở về vùng nông thôn
Từ chương trình này, diện mạo nông thôn đổi mới rõ rệt. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư đồng bộ; các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao bước đầu có hiệu quả; các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được chú trọng.
Đường tráng xi măng được mở ra rút ngắn khoảng cách thôn quê và thành thị
Ông Nguyễn Văn Mẫm, Trưởng ấp 4, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức chia sẻ: “Nói chung trong xã xây dựng nông thôn mới này, đường sá kinh tế hạ tầng nói chung là bê tông hóa, nhựa hóa toàn bộ hết, tạo điều kiện cho người dân giao thương buôn bán về kinh tế phát triển nhiều hơn, đi lại cũng dễ dàng hơn. Sau này thành quả này do dân hưởng, mình đứng ra mình làm, dân sau này người ta đồng thuận với mình rất cao”.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã khá quen thuộc với người làm nghề nông
Đối với huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận vào năm 2019, mục tiêu tiếp theo của Châu Thành là xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, đây cũng là một trong những chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra ở giai đoạn 2020 – 2025.
Đời sống của người dân nông thôn, đối tượng thụ hưởng chính của chương trình nông thôn mới được nâng lên rõ rệt
Ông Võ Thanh Phong Bí thư Huyện ủy Châu Thành nói về mục tiêu của huyện Nông thôn mới đầu tiên của tỉnh như sau: “Đối với Châu Thành, xác định trọng tâm trong xây dựng NTM trong giai đoạn sắp tới, đó là nâng cao thu nhập của người dân. Châu Thành đã xác định chương trình đột phá, tức là chương trình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao, trong đó xác định 5.300 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao. Tin tưởng rằng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự quyết tâm của người dân Châu Thành thì Châu Thành sẽ đạt được danh hiệu NTM nâng cao trước năm 2025”
Bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày
Phát huy những kết quả đạt được, Long An đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2020 – 2025 có 10 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; cấp xã có 142 trong tổng số 161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 57 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu./.
Võ Huy
Ý kiến ()