Tất cả chuyên mục

Hơn 20 năm qua, tại một lớp học đặc biệt ở phường 1 – TP. Tân An, cô Phạm Thị Liêm vẫn luôn miệt mài “gieo chữ” cho những trẻ em nghèo. Lớp học tập họp học sinh (HS) nhiều lứa tuổi khác nhau. Các em đến đây để được học chữ miễn phí và học bài học làm người tử tế. Suốt những ngày tháng đứng lớp không lương, cô Liêm chỉ mong sao mang kiến thức của mình truyền đạt đến HS nghèo để các em có tương lai tươi sáng hơn.
Cuối ngày, khép lại câu chuyện mưu sinh, những đứa trẻ cơ nhỡ, bán vé số mang theo quyển tập, cây viết đến với lớp học tình thương. Và như thế, lớp học chan chứa tình thương tồn tại hơn 20 năm qua giữa lòng thành phố trẻ. Chừng ấy thời gian, biết bao lớp HS đến rồi đi, có em biết chữ, có em bỏ dở việc học và cũng có nhiều em tìm được việc làm ổn định, sống có ích, chỉ cô Liêm là vẫn tiếp tục âm thầm đến lớp từng đêm. Và đâu đó trong thành phố, thấy các em bán vé số, nhặt ve chai, cô Liêm lại hỏi thăm xem có đi học hay không, nếu không đi học ở trường thì cô tặng tập, viết rồi bảo đến lớp học tình thương, cô dạy cho biết chữ.
Lớp học thường xuyên có từ 10 -15 HS, có lúc lên đến 30 em, chia làm 3 khối: Khối 1, 2, 3; khối lớp 4 và khối lớp 5. Đều đặn vào tối thứ hai, tư và thứ sáu hàng tuần, HS lại háo hức đến với lớp. Hiện nay, lớp có 20 HS từ 7-16 tuổi theo học. Ngoài việc truyền đạt kiến thức, cô Liêm còn kết hợp với địa phương vận động mạnh thường quân giúp đỡ các em tập, sách; vận động phát quà, bánh cho các cháu vào mỗi dịp Trung thu hay Quốc tế Thiếu nhi…
Ngần ấy thời gian đứng lớp, có nhiều em ra trường, rồi lại có những lớp học trò mới. Con chữ cứ thế được “gieo”, được “ươm mầm” từ tấm lòng “nặng nợ” với học trò nghèo của cô Phạm Thị Liêm. Năm 2017, cô vinh dự được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học.
Đến tham gia một buổi học của lớp học tình thương này, cảm nhận đầu tiên chúng tôi nhận thấy là sự “ồn ào” dễ thương của lớp học mà cùng lúc có các thành viên ở nhiều độ tuổi, cùng ê a đánh vần, ghép chữ. Không những thế, lớp học còn chú trọng việc “dạy người”, góp phần hoàn thiện nhân cách của các em. Nhiều học sinh lúc đầu nghịch ngợm, không nghe lời sau thời gian đã thay đổi tích cực, biết chào hỏi người lớn, hòa nhã với bạn bè. Sự ngoan ngoãn của các em khiến phụ huynh cảm thấy vui lòng và yên tâm lao động khi cho con theo học tại đây. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư qua đó phát huy hiệu quả, khu phố đảm bảo an ninh trật tự…
Học trò của lớp học tình thương không có đồng phục, không khăn quàng đỏ. Các em đến lớp bằng những quyển tập, tấm bảng do mạnh thường quân trao tặng… Và có khi trong túi đựng tập, sách còn có cả xấp vé số. Đằng sau những hoàn cảnh ấy là những ước mơ trở thành cô giáo, bác sĩ,… Mong rằng những giấc mơ ấy sẽ được tiếp sức để trở thành hiện thực./.
Kim Ngân-Lê Quang
Ý kiến ()