Tất cả chuyên mục

Có một lớp học đã tồn tại hơn 20 năm qua tại thành phố Tân An, đặc biệt ở chỗ, lớp học cùng lúc có 2 thầy cô giảng dạy, còn học trò thì đủ lứa tuổi, theo học các khối từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi em đều có hoàn cảnh đặc biệt, hầu hết là con của người dân địa phương lân cận đến Long An thuê trọ để lao động kiếm sống, không có điều kiện đến trường.
Với mục tiêu xóa mù chữ, trang bị cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn kiến thức phổ thông tối thiểu, lớp học này đã giúp nhiều mảnh đời được tiếp cận với cái chữ, con số và cảm nhận được niềm vui khi đi học. Do các em ở nhiều lứa tuổi, khối lớp khác nhau nên thầy Nguyễn Hoàng và cô Phạm Thị Liêm chia lớp thành 2 nhóm. Cô hướng dẫn các em theo chương trình lớp 1, 2, còn thầy phụ trách nâng cao kiến thức theo chương trình lớp 3, 4 và 5. Thầy Hoàng chia sẻ: “ Mấy em rất là chịu khó học tập, mặc dù đi bán vé số về đây có bữa có em đói bụng, trời mưa vẫn cố gắng vô lớp, chịu khó học. Chiều tranh thủ lấy vé số rồi vô học, học xong đi bán tới 9 – 10h mới về nhà. Vừa dạy chữ, vừa rèn đức, qua đó, các em không còn nói tục chửi thề, mình rất mừng, rất hạnh phúc”.
Lớp học cùng lúc có 2 thầy cô giảng dạy theo chương trình từ khối 1 đến khối 5
Từ vài học sinh ban đầu, đến nay lớp có hơn 20 em theo học. Mỗi buổi chỉ kéo dài hơn hai giờ nhưng cứ đều đặn vào chiều các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần, thầy trò lại gặp nhau một cách tự giác và nghiêm túc. Em Nguyễn Ngọc Thảo Vy, quê Tiền Giang, đang ở trọ cùng gia đình tại phường 4, thành phố Tân An trải lòng: “Sáng em đi bán, chiều cỡ 4h30 em vô đây em học, 7 giờ tối em về. Bạn ở đây chơi chung nhiệt tình rất là vui. Thầy Hoàng với cô rất tận tình dạy chúng em để ra đường không thua sút mấy bạn”.
Các em học sinh đa số ban ngày phụ gia đình kiếm sống, chỉ học được vào buổi tối.
Năm ngoái, lớp học được chuyển từ trường tiểu học Võ Thị Sáu sang Trung tâm văn hóa liên phường 1 – 3, thành phố Tân An. Thầy Hoàng cũng được “đặc cách” chỉ giảng dạy lớp này dù vẫn là giáo viên biên chế của trường. Đa số các em ban ngày phụ giúp gia đình kiếm sống, chỉ học được vào buổi tối nên mục tiêu đặt ra của lớp là giúp các em thông thạo phần ngữ văn và kiến thức toán cơ bản để ứng dụng được vào đời sống. “Thời gian qua, lãnh đạo địa phương cùng các ngành đoàn thể trên địa bàn phường chung tay tạo điều kiện từ cơ sở vật chất đến tinh thần cho các em tham gia lớp học, Đoàn phường cùng Hội đồng đội thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho các em trong các dịp lễ tết và đặc biệt là ngày quốc tế thiếu nhi, ngày tết trung thu hàng năm. Mong rằng thời gian tới, các em sẽ cố gắng học tập tốt hơn nữa để có hành trang vững bước vào đời”, chị Trần Thị Kim Nhi – Bí thư Đoàn TNCS HCM phường 1, thành phố Tân An cho biết thêm.
Thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn uốn nắn, giúp các em trưởng thành hơn và trở thành người có ích cho xã hội.
Đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không được đi học đúng tuổi như bạn bè trang lứa, hai tiếng “thầy cô” có lẽ rất đỗi thiêng liêng, vì không chỉ dạy chữ, thầy cô còn quan tâm, chỉ bảo học trò của mình như con cái trong nhà. Dù cuộc sống có vất vả, những lớp học tình thương như thế này vẫn sẽ sáng đèn để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ được đến trường của các em…
Thanh Thủy – Bảo Phúc
Ý kiến ()