Thứ Tư, 21/05/2025 14:23 (GMT +7)

Lũ ‘trễ hẹn’, người dân gặp khó

Thứ 3, 08/09/2020 | 10:08:00 [GMT +7] A  A

Theo quy luật tự nhiên, mùa này lẽ ra ở Đồng bằng sông Cửu Long đã là mùa nước nổi với rất nhiều sản vật đặc trưng như cá linh, cua đồng, bông súng, … Tuy nhiên, thực tế ở những vùng đầu nguồn, mực nước vẫn còn quá thấp.

Đầu tháng 8, anh Trần Văn Giúp xã Vĩnh Lợi huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đã đặt cọc thuê đất lâm trường Vĩnh Lợi với giá 2 triệu đồng và khấp khởi chờ ngày đặt dớn thu hoạch nguồn lợi thủy sản. Vậy mà chờ hoài vẫn chưa thấy con nước tràn đồng, khiến anh vừa nôn nóng vừa lo lắng vì sợ mất kế sinh nhai mùa lũ.

Anh Giúp đứng ở đầu miếng ruộng vừa thua hoạch xong mươi ngày. Phía cuối ruộng là nơi mà anh đã thuê để đặt dón mưu sinh trong mùa lũ

Anh Giúp cho biết: “Sao không nôn nóng được, bởi vì tiền cũng đã bỏ ra mua dớn rồi. Giờ này dớn, “đú” (như cái rọ chứa cá đặt phía sau dớn)đã may, vá xong hết rồi chỉ chờ nước lũ về thôi”

Người dân địa phương đã khó thì người từ tỉnh khác đến sinh kế như gia đình anh Nguyễn Văn Hải lại càng khó khăn gấp bội. Gần 10 năm qua, cứ đến cuối tháng 6 âm lịch là gia đình anh Hải lại từ An Giang theo con nước về huyện đầu nguồn Tân Hưng, tỉnh Long An chuẩn bị sửa chữa ngư cụ bắt đầu mùa “làm ăn”. Hơn nửa tháng trước, do mưa tại chỗ kết hợp với triều cường và nước thượng nguồn đổ về nên mực nước dâng lên nhanh, 2 cha con anh hớn hở đặt 300 cái lợp. Tuy nhiên, chỉ được hai ba ngày, nước rút xuống khiến ¼ số lợp này mắc cạn trên ruộng. Đầu tư 15 triệu đồng mua sắm ngư cụ nhưng suốt 1 tháng neo ghe trên kênh 504 xã Vĩnh Lợi đến nay anh Hải vẫn ‘trắng tay’, cứ thế lay lắt chờ con nước từng ngày.

Chiếc ghe cũng là “cái nhà” của anh Hải vẫn neo bên bờ kênh “năm lẻ tư” chờ con nước đổ về

Nước không về thay vì thu hoạch cá, anh Hải chỉ còn cách ngồi nhà sửa lợp và chờ đợi

Anh Nguyễn Văn Hải – Huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết: “Bây giờ mặt nước với mặt ruộng cao thấp bao nhiêu đâu, chừng vài tấc, đặt dưới lòng máng đó, nước không lên nó khô hư hết thì bỏ nằm đó luôn. Còn chuột thì thôi nó cắn tá lả, nó cắn lỗ nào lỗ nấy rộng cỡ gang tay, giờ còn bỏ lềnh trên đồng, chừng nào nước lên mình mới vá, cái nào vá không nổi thì đem về. Còn bây giờ nước không lên, không có cá nhưng cũng cho nó nằm đó luôn, vì hễ mình lấy về là mất chỗ”

Năm nay mỗi lần đổ “đú” anh Chiến cũng chỉ thu được vài ký cá mồi là nhiều

Cũng giống như anh Hải, khi thấy con nước về, ông Nguyễn Văn Chiến ở xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng cũng đặt hết 10 bộ dớn trên đồng giờ thì giờ đây nước rút chỉ còn ‘lé đé’ mặt ruộng nên mỗi ngày ông cũng chỉ thu được vài ký cá mồi, kiếm năm bảy chục ngàn đồng.

Mùa này năm ngoái cá linh non đã về, nhưng năm nay chỉ toàn cá lòng tong bay

Ông Chiến cho biết: “Theo như năm rồi lúc này nước lên chắc hơn cả mét, con cá nó nhiều. Còn mùa này trên đồng chỉ cỡ 3 tấc nước. Nước nó lên trễ nên không có cá,mấy ngày nay đổ “đú” chỉ có cá lòng tong bay thôi. Cỡ như cá chốt cũng còn không có nữa mà”

Ông Võ Hồng Vân – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng ‘cho biết: “Đa số bà con ở đây sống bằng nghề trồng lúa. Ngoài trồng lúa ra, bà con cũng sống nhờ mùa lũ. Tuy nhiên, 2 năm gần đây lũ về muộn, lũ nhỏ, cá mắm không có nên đời sống bà con ở đây gặp nhiều khó khăn”

Rất nhiều tay dớn bị mắc cạn phơi nắng, một số vẫn còn năm bờ

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Long An, mực nước những ngày đầu tháng 9 tại các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh thấp hơn cùng kỳ từ 0,01 đến 0,2m. Dự báo phải từ đầu đến giữa tháng 10 đỉnh lũ mới xuất hiện. Hiện tại, mùa nước nỗi đã trễ hẹn với bà con gần 1 tháng. Trong khi, nhiều gia đình đã bỏ ra cả chục triệu đồng để mua sắm ngư cụ, thuê đất đánh bắt thủy sản nhưng đều đang ở trạng thái chờ.

Ai cũng nhận ra, lũ không về, người dân sẽ mất đi nhiều thứ. Nhưng, có lẽ chỉ những người trực tiếp sống nhờ vào lũ mới hiểu hết cái mà họ đã mất khi con nước lũ không về./.

Duy Huệ – Võ Huy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu