Thứ Bảy, 11/01/2025 23:02 (GMT +7)

Lúa gạo bị “làm giá”

Thứ 6, 08/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Thông tin nguồn cung lúa gạo giảm do tác động của khô hạn và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đẩy giá lúa gạo trên thị trường tăng nhẹ.

Trong khi đó, giá lúa tươi đang đắt như “tôm tươi” và thương lái đang tăng cường thu gom lúa dự trữ. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, việc “sốt” lúa gạo chỉ là do tâm lý và do bị “làm giá”.
Giá tăng do tâm lý
Những ngày gần đây, chị Thanh kinh doanh quán ăn, cơm văn phòng ở địa chỉ 497/12 Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP Hồ Chí Minh) lo ngay ngáy vì giá gạo đang nhích lên từng ngày. Chị cho biết, hiện giá gạo loại thông dụng đã tăng thêm từ 500 – 1.000 đồng/kg, có loại dao động từ 11.000 – 12.500 đồng/kg. Riêng những loại gạo có chất lượng cao hơn như nàng thơm chợ Đào, thơm Thái… cũng tăng thêm trung bình 1.000 đồng/kg đạt mức 18.000 – 21.000 đồng/kg. “Đại lý cung cấp gạo lấy lý do các nhà máy xay xát, thương lái tăng giá nên bắt buộc phải tăng giá theo. Còn các thương lái than khó mua lúa, bởi đang vào cuối vụ thu hoạch lúa đông xuân và không còn nhiều lúa để thu mua đã khiến nguồn cung sụt giảm”, chị Thanh cho hay.

Giá thu mua lúa gạo cao giúp nhà nông các tỉnh ĐBSCL tăng lợi nhuận.

Tại các tỉnh ĐBSCL, giá thu mua lúa đang nóng lên. Ngay thời điểm sau Tết Âm lịch, giá lúa đã đột ngột chuyển hướng tăng lên rất nhanh và hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Lúa chín không kịp bán vì chín đến đâu được thương lái tranh gom và rất nhiều trường hợp còn áp dụng hình thức mua bán “đặt cọc trước” cho vụ lúa hè thu sớm tới dù trà lúa còn đang giai đoạn phát triển. “Nếu như trước Tết giá lúa IR50404 hạt ngắn chỉ 4.400 đồng/kg thì nay đã lên mức 5.500 đồng/kg. Tương tự, giá lúa hạt dài cũng tăng lên mức trên 5.600 đồng/kg. Giá lúa gạo trong nước đang tăng là do nhu cầu mua lúa gạo trong nước tăng đột biến trước thông tin giá xuất khẩu tăng và những bất lợi về thời tiết”, anh Nguyễn Văn Thương, chủ một đại lý bán buôn gạo ở đường Tô Hiến Thành (quận 10), nhận xét.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, giá mặt hàng lúa gạo tăng do tâm lý là chủ yếu. Đây chỉ là hiện tượng mang tính nhất thời, vì biến động khi hạn, mặn mới xuất hiện vài tháng, nên khó có chuyện mất cân đối cung – cầu xảy ra. Thời điểm đầu năm, giá xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam tăng lên là do các doanh nghiệp tập trung gom hàng để giao cho các hợp đồng đã ký trước đó, nhất là những hợp đồng tập trung với số lượng lớn. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện nay, kỳ vọng vào các hợp đồng tập trung mới với Philippines và Indonesia vẫn chưa thể ký kết và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc ở các phân khúc gạo trắng, gạo nếp và gạo thơm.
Khó tăng cao
Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ở thị trường gạo thế giới năm 2016, giá gạo xuất khẩu sẽ khó đột biến nhiều khi thực tế cung cầu không chênh lệch lớn. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán đã cao hơn một số nước khác và vì thế nếu giá xuất khẩu tiếp tục tăng cao, gạo trong nước sẽ khó cạnh tranh so với các nước bạn như: Myanmar, Ấn Độ, Pakistan… đang có giá thấp hơn hẳn.
“Nếu lượng gạo xuất khẩu sẽ giảm và giá lúa trong nước sẽ giảm theo. Ba tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 1,6 triệu tấn gạo, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên việc tăng số lượng này chủ yếu do hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm 2015 còn nhiều, đặc biệt là hợp đồng cấp Chính phủ với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại với Trung Quốc”, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giải thích.
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết do thời tiết bất lợi, vụ đông xuân này ĐBSCL sẽ bị giảm khoảng 600.000 – 700.000 tấn lúa. Tính toán của ngành nông nghiệp, hàng năm Việt Nam sản xuất dư khoảng 7 – 8 triệu tấn gạo và hầu hết số lượng này dành cho xuất khẩu là chính và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực chung. “Nếu có thiếu hụt cũng chỉ ảnh hưởng đến lượng gạo xuất khẩu mà thôi. Điều đáng mừng là sản lượng lương thực thiếu chúng ta vẫn có thể được bù đắp bởi hai vụ cuối năm là hè thu và thu đông khi tình hình thời tiết thuận lợi trở lại và sản xuất lúa gạo quay về quỹ đạo sản xuất bình thường”, ông Trung cho biết.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu