Thứ Hai, 20/01/2025 00:42 (GMT +7)

Mạnh dạn cắt bỏ quy định, gỡ bỏ rào cản doanh nghiệp

Thứ 2, 25/09/2017 | 10:40:00 [GMT +7] A  A

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa biểu dương, khen ngợi Bộ Công Thương về 3 vấn đề; trong đó có quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Nhiều chuyên gia đánh giá đây là “quyết định lịch sử”, bởi việc cắt giảm 675 điều kiện của 27 nhóm ngành hàng, chiếm tới 55% tổng các điều kiện đầu tư, kinh doanh mà Bộ này quản lý, dỡ bỏ không ít rào cản cho các doanh nghiệp.

Điều đầu tiên phải khẳng định rằng, những điều kiện đầu tư, kinh doanh được quy định trước đây là cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế mới bắt đầu mở cửa và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, khi môi trường, điều kiện thay đổi và đặc biệt việc hội nhập kinh tế ngày càng mở rộng thì không ít những “giấy phép con” đã trở nên lỗi thời, không cần thiết, thậm chí cản trở sự phát triển.

Việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh đã dỡ bỏ không ít rào cản cho các doanh nghiệp. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những yếu kém, khiếm khuyết của quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang gây ra tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh. Cụ thể như: Tạo ra rủi ro, hạn chế và làm méo mó cạnh tranh; gia tăng chi phí sản xuất, hạn chế sáng tạo; kìm hãm hình thành chuỗi kinh doanh, tác động bất lợi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa….

Chính vì vậy, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật cách đây hơn một tháng (ngày 22/8), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ bãi bỏ trên 2.000 điều kiện kinh doanh; trong đó, bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần trong 302 điều kiện về tài chính, toàn bộ 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm, bãi bỏ toàn bộ 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất, toàn bộ 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, toàn bộ 80 điều kiện về quy hoạch…

Người dân và nhất là các doanh nghiệp mong chờ với niềm hy vọng lớn lao và cả sự “bán tín bán nghi”. Sự nghi ngờ đó cũng có căn nguyên của nó, bởi vấn đề này đã được đặt ra từ lâu nhưng việc cắt giảm mới chỉ được tiến hành nhỏ giọt và vấn nạn “giấy phép con”, hiện hình của các điều kiện đầu tư, kinh doanh, luôn là vấn đề nhức nhối của nền kinh tế, là nỗi khiếp sợ của người dân và doanh nghiệp.

Việc duy trì quá lâu các điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn phù hợp chính là mảnh đất để tạo cơ chế xin-cho, vòi vĩnh, hạn chế quyền kinh doanh của người dân và gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Điều kiện kinh doanh được đặt ra là để phục vụ cho việc quản lý. Điều đó là cần thiết. Nhưng mục tiêu của quản lý là để tạo điều kiện cho xã hội phát triển có trật tự chứ không phải là để hạn chế sự phát triển. Tuy nhiên, trong thực tế và nhìn từ một khía cạnh khác, lâu nay không ít điều kiện kinh doanh lại là cái cớ để cơ quan quản lý nhà nước và một số cá nhân thể hiện quyền hành với đầy đủ ý nghĩa của cả “quyền” và “hành”.

Chính vì vậy, việc Bộ Công Thương cắt giảm tới hơn một nửa trong tổng các điều kiện đầu tư, kinh doanh mà Bộ quản lý được coi là quyết định dũng cảm và cần thiết.

Mặt khác, nếu biết rằng, theo kết quả khảo sát của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) năm 2017, có tới 44% doanh nghiệp cho biết từng lỡ cơ hội vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường và tỷ lệ lỡ cơ hội vì lý do này đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghệ là 47%, trong lĩnh vực nông nghiệp là 46%, thì mới càng thấy ý nghĩa lớn lao trong việc tháo gỡ rào cản của Bộ Công Thương.

Bởi, như ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh: Năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế đang bị kìm hãm ở chính điểm này.

Các bậc tiền nhân đã khái quát “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt”, công nghiệp và thương mại là hai trong những trụ cột chủ chốt của nền kinh tế. Vì vậy, việc “cởi trói”, tạo điều kiện cho đầu tư, kinh doanh, khơi thông tiềm lực trong xã hội… của Bộ Công Thương có thể coi là một sự tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần xây dựng một Chính phủ Liêm chính, Kiến tạo, Phục vụ và Hành động.

Tuy nhiên, cho dù là trong lĩnh vực chủ chốt, cho dù là việc cắt giảm của Bộ Công Thương chiếm tới gần một phần ba tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cắt giảm, thì vẫn còn tới hơn 1.300 “giấy phép con” khác đang trói buộc doanh nghiệp, làm thui chột biết bao ý tưởng, ý chí khởi nghiệp và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.

Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7% như quyết tâm của Chính phủ và sự phát triển lâu dài của nền kinh tế, đòi hỏi các bộ ngành, các lĩnh vực còn lại cũng phải vào cuộc quyết liệt, tích cực rà soát và khẩn trương cắt giảm những điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết.

TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, phần lớn các điều kiện kinh doanh hiện nay đang trở thành rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp chứ không thấy thúc đẩy kinh doanh và như vậy là không đạt được mục tiêu quản lý nhà nước.

Ông Cung cũng nhấn mạnh: “Cần phải loại bỏ đi 2/3 số điều kiện kinh doanh đang có hiện nay may ra mới cởi trói bớt giúp doanh nghiệp”.

Cũng cần phải nói rõ một điều rằng, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh không đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý, bởi chỉ là sự cắt giảm những điều kiện không cần thiết và thay đổi phương thức quản lý, ví dụ như thay tiền kiểm bằng hậu kiểm…. Vì vậy, việc lấy lý do quản lý để duy trì các “giấy phép con” đã lỗi thời chỉ là sự ngụy biện.

Vẫn biết từ bỏ một thói quen là không dễ, nhất là khi “thói quen” đó lại gắn liền với “quyền hành” và “lợi ích” của một bộ phận nào đó. Vì vậy, dư luận nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đang trông chờ vào sự dũng cảm của các bộ và sự quyết liệt của Chính phủ để tiếp tục tháo dỡ rào cản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Bùi Văn Doanh (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu