Thứ Bảy, 18/01/2025 07:13 (GMT +7)

Máy bay phun thuốc “sải cánh” trên đồng ruộng

Thứ 4, 30/03/2022 | 21:21:52 [GMT +7] A  A

Không còn xịt thuốc bằng tay hay dùng phuy như cách truyền thống, ngày nay, người nông dân đã được giải phóng sức lao động bởi sự hỗ trợ của những thiết bị công nghệ. Tại huyện Thủ Thừa cũng như một số địa phương khác trong tỉnh, máy bay không người lái đang được ứng dụng vào việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó cùng cây nếp, ngoài việc giảm lượng giống gieo sạ, ông Phạm Văn Hóa, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa còn chuyển từ phun thuốc thủ công sang ứng dụng máy bay không người lái trên diện tích canh tác 4,5 hecta tại xã Long Thuận.

Ông Phạm Văn Hóa xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa cho biết: “Nếp đây làm cũng lâu lắm rồi, trên 20 năm là nếp 4625, theo hồi xưa mình xịt mới đầu là bình gạt, sau đó chuyển qua phuy, máy mang, giờ chuyển qua công nghệ máy phun thuốc, máy bay thì rất hiệu quả. Thay vì xịt cái kia, chi phí công cao hơn 1 tí, giờ chuyển qua công nghệ này, chi phí rẻ hơn 1 chút xíu. Nhưng mà nó đạt được hiệu quả là không có rọi lúa, quần lúa”.

Tăng năng suất, giảm công lao động và lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời chủ động về thời gian vì có thể phun cả ban đêm, những ưu điểm này là cơ sở để 20 thành viên của Tổ hợp tác sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao số 2, huyện Thủ Thừa chọn giải pháp phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay, trung bình khoảng 6 lần một mùa vụ.

Các thành viên Tổ hợp tác sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao số 2, huyện Thủ Thừa đều tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay trên trà lúa của mình.

Ông Phạm Văn Bon (Chủ máy bay phun thuốc) Ấp Bà Mía, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa chia sẻ: “Khuya, tối xịt cũng được, trưa trời nắng mình nghỉ, thời gian nó bay lẹ, 10 phút mình có thể bay cỡ 1 mẫu đất. Mới đầu ra bà con mình đây không biết, nói là ít nước, hổng hiệu quả, nhưng sau này, toàn bộ bà con kêu xịt là chuyển qua máy bay hết vì nó rất đều, xịt công nghệ cao, xịt bằng đĩa chứ không phải pet phun. Còn về số tiền, năm ngoái tôi về thì bay thuê 200.000 đồng/hecta, thấy làm ăn cũng đạt với lâu dài cho bà con nên lấy 180.000 đồng/hecta, nếu ai có tiền trả liền thì lấy, nếu không có tiền thì cuối vụ thanh toán một lần”.

Ông Phạm Văn Bon đầu tư khoảng 600 triệu đồng mua máy bay và phụ kiện để phun thuốc thuê trên diện tích hơn 500 hecta cho nông dân địa phương và khu vực lân cận.

Đối với chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, huyện Thủ Thừa sẽ thực hiện trên phạm vi 500 hecta, chủ yếu là mô hình điểm và nhân rộng các mô hình trong Đề án. Hiện tại, huyện đã thành lập được 1 HTX, 2 tổ kinh tế hợp tác, diện tích hơn 100 hecta.

Ông Lê Anh Tuấn Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa thông tin thêm: “Huyện chọn 3 công việc hỗ trợ cho bà con nông dân để mang tính chất tuyên truyền thực hiện trong thời gian tới, một là sử dụng giống xác nhận với số lượng từ 80 – 100 kg/ha, thứ 2 là tuyệt đối phun thuốc bằng thiết bị bay hết chứ không để bà con đeo vai, mang giống như truyền thống nữa, thứ 3 khi tham gia mô hình phải sử dụng loại phân hữu cơ, thì đó là những định hướng của huyện Thủ Thừa đối với thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa”.

Áp dụng thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp là bước chuyển đổi quan trọng của nông dân trong việc đẩy mạnh số hóa nông nghiệp. Không chỉ có máy bay phun thuốc được “sải cánh” trên đồng ruộng, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất còn là xu hướng tất yếu để giảm giá thành, tăng năng suất cây trồng và góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân./.

Thanh Thủy – Xuân Quốc

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu