Thứ Sáu, 24/01/2025 08:53 (GMT +7)

Mía đường trong nước lao đao vì đường nhập lậu giá rẻ

Thứ 4, 18/07/2018 | 10:54:00 [GMT +7] A  A

Lượng đường tồn kho lớn, đường nhập lậu giá rẻ đang khiến nhiều nhà máy sản xuất đường gặp nhiều khó khăn. Nhiều tỉnh đã gửi kiến nghị đề nghị ngăn chặn đường nhập lậu đang hoành hành trên thị trường trong nước.

Đường tồn kho tăng cao
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, dù doanh nghiệp đã chấp nhận bán giá thấp nhưng lượng đường tồn kho trong 6 tháng đầu năm đã lên tới 670.000 tấn. Giá đường trong nước liên tục giảm, hiện ở mức 11.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá đường nhập lậu bán vẫn thấp hơn 500 đồng/kg. Các nhà máy điều chỉnh giá bán sát với giá đường lậu Thái Lan nhưng vẫn khó tiêu thụ.

Theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khó khăn lớn nhất của ngành mía đường là hiện sản lượng đường tồn kho quá lớn.

Niên vụ mía 2017 – 2018, diện tích mía trên địa bàn tỉnh Phú Yên gần 25.500 ha, sản lượng mía cây hơn 1,73 triệu tấn. Bước vào niên vụ ép, hai nhà máy đường đóng trên địa bàn tỉnh là nhà máy đường KCP và nhà máy đường Tuy Hòa lên kế hoạch ép 1,42 triệu tấn mía cây, chiếm hơn 81% sản lượng mía và dự kiến sản xuất 136.500 tấn, tăng 5,1% so với niên vụ trước.

Đóng bao đường thành phẩm tại Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương. Ảnh: TTXVN
Đến nay, các nhà máy đường ở Phú Yên ép hơn 1,36 triệu tấn mía nguyên liệu và chế biến được 118.027 tấn đường. Tuy nhiên, sản lượng đường đã tiêu thụ chỉ gần 40.000 tấn, chiếm 33,7% so với sản lượng đường đã sản xuất. Dù giá bán năm nay giảm từ 3.300 đồng đến 3.900 đồng/kg so với năm ngoái, nhưng lượng đường tồn kho còn rất lớn với 78.209 tấn, chưa kể sản lượng đường tồn kho từ niên vụ trước còn lại.
Tương tự tại tỉnh Tuyên Quang, mặc dù niên vụ 2017- 2018 có gần 10.400 ha mía, giảm 844 ha so với niên vụ 2016-2017, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt hơn 61 tấn/ha, sản lượng mía đạt gần 640.000 tấn, giảm gần 44.600 tấn so với niên vụ 2016 – 2017.

Niên vụ 2018-2019, tỉnh Tuyên Quang trồng được 8.464 ha mía nguyên liêu đạt 81% kế hoạch đề ra. Trong khi đó, có hơn 2.300 ha mía bị phế canh để chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn.

Mặc dù diện tích trồng giảm nhưng tình hình kinh doanh sản xuất của Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang) cũng gặp nhiều khó khăn. Niên vụ ép 2017 – 2018, Công ty sản xuất được hơn 48.400 tấn đường kính trắng, giảm hơn 4.000 tấn so với niên vụ ép năm 2016 -2017. Mặc dù bán đường với giá thấp hơn giá thành sản xuất nhưng mức tiêu thụ vẫn chậm, hiện lượng hàng tồn kho của Công ty đã lên đến trên 10.000 tấn.
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương, nguyên nhân khiến giá đường xuống thấp mà tiêu thụ vẫn chậm là do đường nhập lậu, trốn thuế và được bán với giá thấp hơn giá thành sản xuất khiến các công ty mía đường trong nước buộc phải giảm giá.
Niên vụ 2017-2018, Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương ước tính sẽ lỗ khoảng 45- 46 tỷ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng Công ty vẫn duy trì chính sách cam kết với người dân đầu tư thu mua mía nguyên liệu lâu dài. Công ty đã dành ra một khoản tài chính lớn để hỗ trợ người đầu tư phân bón, cây giống, kỹ thuật nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập cho người trồng mía.
Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, một số doanh nghiệp đã bán dưới giá thành và chấp nhận thua lỗ. Một số nhà máy vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đang không có khả năng thanh toán tiền cho nông dân trồng mía.
Kiến nghị ngăn chặn đường nhập lậu
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, những năm trước, việc buôn lậu đường còn lén lút, sang bao, bóc vỏ bao bì, nhưng năm nay đường nhập lậu hoạt động công khai.
Theo Hiệp hội mía đường, từ đầu năm tới nay có khoảng 500.000 tấn đường nhập lậu. Nguyên nhân là do khoảng cách từ biên giới Campuchia về tới vùng ven TP Hồ Chí Minh chỉ có 40 km, thứ hai là người dân vũng biên có đời sống khó khăn nên họ tham gia vận chuyển đường lậu.
Trong điều kiện khó khăn của ngành mía đường, UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với ngành mía đường. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát để ngăn chặn tình trạng nhập lậu đường. Phát triển các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm…
Theo Bộ đội biên phòng Việt Nam, đường nhập lậu làm cho thị trường mía đường trong nước gặp nhiều khó khăn. Bộ đội Biên phòng sẽ phối hợp chặt chẽ các cấp các ngành địa phương, tập trung khảo sát, đánh giá các đường dây chuyên buôn lậu đường để có phương án giải quyết vấn đề này.

Bên cạnh đường nhập lậu, một nguyên nhân khác khiến giá đường trong nước còn cao là do giá thành sản xuất mía của nông dân cao, công suất các nhà máy chế biến thấp, công nghệ chưa cao bằng các nước.

Việc trồng mía phân tán, manh mún ở các địa phương dẫn đến khó cơ giới hóa, khiến năng suất thấp và thị trường nguyên liệu mía không ổn định. Ảnh: TTXVN

Việc trồng mía phân tán, manh mún ở các địa phương dẫn đến khó cơ giới hóa, khiến năng suất thấp và thị trường nguyên liệu mía không ổn định.

Đối với vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, người trồng mía ở Việt Nam phần lớn canh tác trên cánh đồng nhỏ và theo kinh nghiệm là chủ yếu nên năng suất mía đường thấp. Ngành mía đường sẽ thực hiện kế hoạch đầu tư khoa học kỹ thuật, liên kết các công ty đường để tạo ra cây giống mới có năng suất cao hơn.

Ngoài ra, cần tuyên truyền rộng rãi cho người tiêu dùng về việc sử dụng các loại đường sạch, đảm bảo an toàn. Đồng thời, các nhà máy đường Việt Nam cần có giải pháp cải tiến sản phẩm, đưa ra những sản phẩm đường sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, ngành mía đường Việt Nam đang có kế hoạch thực hiện tái cơ cấu theo hướng đầu tư khoa học công nghệ, nhằm tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Các nhà máy đường sẽ đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại để giảm giá thành sản xuất, sắp xếp kênh phân phối phù hợp. Hiện nay, ngành mía đường Việt Nam có thị trường phân phối đi qua khá nhiều khâu trung gian từ cấp 1 đến cấp 2, cấp 3 dẫn đến chi phí phân phối cao, vì vậy cần giảm khâu trung gian để giảm chí phí phân phối.

Nhóm PV/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu