Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 11:56 (GMT +7)
Mở lối cho người… thất nghiệp
Thứ 7, 26/08/2017 | 09:16:00 [GMT +7] A A
VOV.VN -Nhu cầu tuyển dụng lao động hiện nay rất lớn, đặc biệt trong các ngành công nghệ thông tin, marketing, sản xuất, bất động sản…
Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp vẫn tăng, còn nhà tuyển dụng buộc phải tìm nguồn lao động từ các nước khác.
Nhiều cơ hội việc làm
Năm 2017, cơ hội tuyển dụng tăng 73%, số lượng công việc tăng trưởng khoảng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả nghiên cứu này do Navigos Search – công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao thuộc tập đoàn Navigos Group đưa ra tại chương trình Connect the dots do Hội đồng Anh tổ chức mới đây cho thấy tín hiệu sáng lạn về thị trường lao động.
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, quản lý cấp cao của Navigos Search nhận định, các ngành đang có nhiều nhu cầu tuyển dụng lao động bao gồm: sản xuất, kinh doanh, công nghệ thông tin (IT), marketting, ngành hàng bán lẻ và tiêu dùng. Trong đó, ngành sản xuất và IT đang có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất trên thị trường.
Cũng theo báo cáo của Navigos Search, các công ty Fintech – kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ – đang có nhu cầu rất lớn về tuyển dụng các kỹ sư công nghệ thông tin có kinh nghiệm trong mảng dữ liệu (data) và có kiến thức về tài chính. Thế nhưng, số lượng ứng viên đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng lại khan hiếm.
Bởi thế, các công ty này buộc phải tuyển kỹ sư người nước ngoài sang Việt Nam làm việc, đồng thời chấp nhận tuyển dụng những sinh viên mới ra trường, sau đó đào tạo để có nguồn lực đảm đương được công việc.
“Hằng năm, nhiều doanh nghiệp vẫn tuyển dụng những ứng viên chưa có kinh nghiệm, sẵn sàng dành thời gian đào tạo, đồng thời giao trọng trách để họ có cơ hội thể hiện khả năng của mình nếu họ có tố chất, đam mê, nhiệt huyết”, các chuyên gia trong ngành nhân sự khẳng định.
Vẫn thất nghiệp, do đâu?
Nhu cầu tuyển dụng lao động ở các ngành, nghề rất lớn, song tình trạng thất nghiệp lại ngày một tăng. Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc nhân sự của VP Bank – người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng cho rằng: “Các ứng viên chưa chủ động, chưa tích cực nắm bắt các kênh thông tin để tìm kiếm cơ hội việc làm. Thậm chí, họ không tận dụng được cơ hội mà các nhà tuyển dụng đã tạo ra cho người lao động. Một nguyên nhân nữa là do “thừa thầy thiếu thợ”.
Năm 2016, số người tốt nghiệp ĐH và trên ĐH bị thất nghiệp là trên 200.000 người. Trong khi đó, con số này từ các trường dạy nghề chỉ khoảng 40.000 người. Việc tìm kiếm nhân sự có trình độ ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng không dễ dàng.
Bà Ngọc Lan đưa dẫn chứng: “Mới đây, Navigos Search nhận được rất nhiều yêu cầu tuyển dụng cho vị trí phiên dịch tiếng Hàn từ các công ty của Hàn Quốc, nhưng có quá ít ứng cử viên đạt được yêu cầu về ngoại ngữ Hàn. Kỹ năng ngoại ngữ vẫn là điểm yếu của nhiều ứng viên”.
Sự xuất hiện của cộng đồng kinh tế ASEAN cũng khiến nhân lực Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhân lực các quốc gia khác trong khu vực. Nhiều công ty nước ngoài đang chuyển dịch hướng đầu tư sang Myanmar, Lào, Campuchia.
Một nguyên nhân thất nghiệp của các ứng viên du học được chỉ ra là do họ đưa ra mức lương quá cao khi đi xin việc. Các chuyên gia lưu ý: “Các nhà tuyển dụng trả lương không phụ thuộc vào việc ứng viên học ở trong nước hay nước ngoài mà căn cứ vào công việc, khả năng và giá trị mà ứng viên đó mang lại cho doanh nghiệp”.
Về tình trạng nhảy việc, chuyên gia tuyển dụng nhân sự Nguyễn Thị Vân Anh khẳng định: “Các bạn trẻ muốn thử nghiệm, khám phá bản thân, thế nhưng, đừng từ bỏ công việc khi chưa thực sự nỗ lực. Nếu thấy khó khăn là nhảy việc, không muốn bước qua thì cơ hội phát triển sẽ không bao giờ đến”./.
Nam Phương/Báo VOV
Ý kiến ()