Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 12/01/2025 05:15 (GMT +7)
‘Mở lối’ cho thuốc Việt vào bệnh viện
Thứ 2, 02/09/2019 | 09:34:00 [GMT +7] A A
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dược trong nước đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng thuốc, quảng bá mở rộng thị trườnG. Tuy nhiên con đường để thuốc Việt vào được các bệnh viện vẫn còn nhiều gian nan.
Cuộc chạy đua đưa thuốc nội vào bệnh viện không phải dễ dàng. Ảnh: TTXVN
Cuộc chạy đua khốc liệt
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp dược trong nước đã rất chú trọng đổi mới công nghệ, tăng cường quảng bá để tạo vị thế cho sản phẩm.
Đơn cử như Công ty Cổ phần dược phẩm Traphaco đã mạnh dạn tiên phong ứng dụng công nghệ mới để tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng thuốc, đầu tư xây dựng được nhà máy sản xuất tân dược thông minh 4.0 với hệ thống tự động hóa, tiết kiệm thời gian, giảm giá thành sản phẩm, hệ thống các nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP WHO về đông dược, có vùng trồng dược liệu đầu tiên đạt tiêu chuẩn GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái)… Đồng thời để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, công ty cũng tăng cường hoạt động truyền thông, quảng cáo tới Bộ Y tế, các bệnh viện, người dân…
Công ty Dược Hậu Giang cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, ký kết hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Công nghệ sinh học… để có được những công thức độc quyền… Doanh nghiệp cũng hợp tác với Nhật Bản để nâng cấp toàn bộ dây chuyền sản xuất thuốc, nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn… nhờ đó các sản phẩm có thể tự tin cạnh tranh với các sản phẩm ngoại trên sân nhà về chất lượng.
Tuy nhiên dù tự tin về năng lực nhưng hiện các doanh nghiệp vẫn gặp khó khi đưa thuốc vào các bệnh viện.
Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco cho biết: “Ngoài nguyên nhân do tâm lý sính thuốc ngoại vẫn ăn sâu trong suy nghĩ của nhân viên y tế và người tiêu dung, thuốc nội vẫn khó cạnh tranh về giá khi đấu thầu vào các bệnh viện. Hiện nay các quy định của Luật Đấu thầu còn nặng về giá, trong đấu thầu thuốc chưa có phân loại xếp hạng cho những sản phẩm nổi trội trên thị trường về chất lượng”.
Cũng theo ông Nguyễn Huy Văn, để có thuốc chất lượng, doanh nghiệp dược phải chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào, có chứng nhận đạt GACP-WHO của Bộ Y tế; nghiên cứu khoa học đầy đủ, bài bản… nâng cấp hệ thống sản xuất công nghệ cao… từ đó dẫn đến giá thành cao.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng Giám đốc công ty Dược Hậu Giang cũng cho rằng: “Bất cập lớn nhất trong đấu thầu thuốc hiện này là mới phân nhóm kỹ thuật mà chưa thể hiện sự tương đồng giữa các loại thuốc”. Vì thế, trong cùng một nhóm thuốc tham gia đấu thầu, có sự chênh lệch nhau về chất lượng nhưng những thuốc có giá nền thấp có cơ hội trúng thầu cao; thuốc chất lượng vượt trội, giá cao thường hay bị loại. Thậm chí các công ty dược có đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao thường phải chịu thua thiệt.
Cũng theo ông Khương, trở ngại lớn khác mà các doanh nghiệp dược Việt Nam gặp phải là hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu của nước ngoài, chịu ảnh hưởng của các yếu tố biến động tỷ như giá, nguồn hàng cung cấp, cộng thêm chi phí nhập khẩu khiến giá thành thuốc của Việt Nam cao hơn khoảng 20- 25% so với Trung Quốc, Ấn Độ, kéo theo giá thành sản phẩm cao.
Cần có cơ chế hỗ trợ
Theo thống kê của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, thời gian gần đây, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các cơ sở y tế đã có khởi sắc. Năm 2018, tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc nội tại các cơ sở y tế tại tuyến huyện và tuyến tỉnh đã tăng lên 63,53%. Hiện cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S. Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Trong đó, có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.
Với những nỗ lực đó, theo các chuyên gia, để nâng cao tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các cơ sở y tế, cần hoàn thiện và minh bạch hoá hơn nữa các quy trình đấu thầu, hệ thống hành lang pháp lý giúp các doanh nghiệp dược trong nước phát triển. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp dược trong nước
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng thừa nhận, các doanh nghiệp dược trong nước hiện vẫn mới chỉ tập trung sản xuất các loại thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém dẫn đến tình trạng vừa cạnh tranh nội bộ ngành, vừa phải cạnh tranh với các thuốc generic nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã sản xuất được các sản phẩm thuốc có tác dụng điều trị tốt, giá thành phù hợp với thu nhập của người dân nhưng lại yếu trong các khâu marketing và quảng cáo, gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung ưu tiên đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu sản phẩm kết hợp với các chương trình như “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt”, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá… để nâng cao vị thế sản phẩm, tạo thế mạnh cạnh tranh.
Đặc biệt, để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020 tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện, Bộ Y tế cũng đã ban hành danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu giá trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu nếu trong nước đã sản xuất được thuốc cùng loại. Đồng thời thuốc sản xuất trong nước cũng được phân nhóm để được đấu thầu riêng, được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật. Với chính sách này, trong tương lai gần thuốc nội sẽ có “đà” để phát triển mạnh mẽ.
Ý kiến ()