Tất cả chuyên mục

Các hiến kế tham gia Cuộc vận động (CVĐ) “Cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An” lần thứ 2 đều thể hiện nhiều ý tưởng, tâm huyết, trách nhiệm, tình cảm của người tham gia hiến kế đối với việc xây dựng, phát triển quê hương tỉnh Long An.
106 hiến kế tham gia Cuộc vận động
Thông tin từ HĐND tỉnh, từ thành công của CVĐ “Cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An” lần thứ nhất, năm 2024, HĐND tỉnh tiếp tục phối hợp UBND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh phát động CVĐ lần thứ 2 với mong muốn tiếp tục mở rộng dân chủ, huy động trí tuệ, lắng nghe các ý tưởng, hiến kế của các tầng lớp nhân dân vào sự phát triển ngày càng giàu mạnh của tỉnh Long An.
Sau thời gian phát động, HĐND tỉnh tiếp nhận 106 hiến kế của 68 tác giả gửi về Ban Tổ chức. Trong đó, có 31 tác giả là đoàn viên, thanh niên các cấp; 10 tác giả là sinh viên, giáo viên và bác sĩ; 2 tác giả là lực lượng vũ trang; 16 tác giả là cán bộ, công chức công tác tại các sở, ngành tỉnh, địa phương; 8 tác giả là công nhân và người dân tham gia. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 27 hiến kế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có 41 hiến kế. Đặc biệt, lĩnh vực xây dựng Đảng và chính quyền có đến 38 hiến kế, tăng 20 hiến kế so với năm 2023. Điều này cho thấy cử tri dành nhiều tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm trong xây dựng bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị hướng đến phục vụ nhân dân.
Cùng với tham gia hiến kế, CVĐ cũng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Thống kê của HĐND tỉnh, từ đầu CVĐ đến nay, trên website nhandanhienke.longan.gov.vn có gần 52.000 lượt truy cập với tổng số tài khoản các cá nhân đã đăng ký là 3.531 người; riêng năm 2024 có gần 36.000 lượt truy cập, tăng 2,5 lần so với năm 2023, số tài khoản các cá nhân đã đăng cũng tăng gấp 5 lần. Còn ứng dụng mini app trên nền tảng Zalo có gần 23.500 lượt truy cập trong năm 2024.
Theo Phó Chủ tịch phụ trách HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều, với tinh thần cầu thị, trân trọng các hiến kế của cử tri, định kỳ 3 tháng/lần, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phân loại, tổng hợp và chuyển các hiến kế đến UBND tỉnh để nghiên cứu, vận dụng triển khai, thực hiện phù hợp vào công tác quản lý, điều hành phát triển KT-XH, kiện toàn bộ máy nhà nước trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chuyển đến các Ban của HĐND tỉnh nghiên cứu, xem xét để đưa vào hoạt động giám sát, thẩm tra, đề xuất xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh - quốc phòng địa phương.
Mỗi hiến kế là tâm huyết, trách nhiệm xây dựng quê hương
Để bảo đảm khách quan, công tâm trong đánh giá, xếp hạng các hiến kế, Thường trực HĐND tỉnh kiện toàn Ban Giám khảo, thành lập 3 tiểu ban gồm: Tiểu ban xét chọn hiến kế lĩnh vực xây dựng Đảng và chính quyền; Tiểu ban xét chọn hiến kế lĩnh vực kinh tế và Tiểu ban xét chọn hiến kế lĩnh vực văn hóa - xã hội với đội ngũ những người có chuyên môn, phụ trách lĩnh vực, Phó Trưởng các Ban của HĐND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành tham gia.
Tại vòng sơ khảo, các tiểu ban đề xuất Ban Giám khảo chọn 21 hiến kế có số điểm cao nhất trên các lĩnh vực vào vòng chung khảo, xếp hạng. Tại vòng chung khảo, qua xem xét 21 hiến kế, các thành viên Hội đồng Giám khảo chấm điểm độc lập trước khi họp phiên toàn thể xem xét và thống nhất đề xuất xếp hạng đối với 16 hiến kế. 16 hiến kế này cũng được HĐND tỉnh đăng công khai trên các phương tiện thông tin, truyền thông để lấy ý kiến rộng rãi của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả đến Hội đồng Giám khảo, Ban Tổ chức CVĐ và Thường trực HĐND tỉnh xem xét xếp hạng.
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Hội đồng Giám khảo và Tổ giúp việc, trung tuần tháng 4/2025, Thường trực HĐND tỉnh xem xét, thảo luận và ghi phiếu xếp hạng đối với 16 hiến kế. Kết quả, có 14 hiến kế được thống nhất xếp hạng. Trong đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội có 1 hiến kế xếp hạng III; 3 hiến kế xếp hạng Khuyến khích; các lĩnh vực kinh tế và xây dựng Đảng, chính quyền, mỗi lĩnh vực có 5 hiến kế được xếp hạng Khuyến khích.
Công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, anh Đinh Hoài Phong có điều kiện nghiên cứu nhiều chính sách, quy định của pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến tổ chức, con người. Mặc dù tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách đột phá nhưng anh băn khoăn khi nhiều lứa học sinh giỏi, tài năng của tỉnh sau khi tốt nghiệp lại ít về quê hương cống hiến.
Anh Phong cho biết: “Thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều chính sách để thực hiện chương trình đột phá về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Nổi bật như chính sách thu hút nhân lực ngành Y tế, ngành Giáo dục hay các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề phục vụ phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, hiện tỉnh chưa có chính sách, bồi dưỡng cụ thể đối với đối tượng có tiềm năng, nhất là học sinh tài năng có nguyện vọng sau này cống hiến cho tỉnh mà chủ yếu lồng ghép với khuyến khích, khen thưởng. Qua nghiên cứu tài liệu tại một số quốc gia đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo học sinh có tài năng, tôi lên ý tưởng hiến kế về chương trình phát hiện và bồi dưỡng học sinh tài năng trên địa bàn tỉnh với mong muốn hiến kế có thể được nghiên cứu, phát triển trong việc xây dựng chính sách, tạo bệ phóng, ươm mầm cho những tài năng tương lai”.
Làm việc tại Sở Công Thương, anh Hà Hoàng Tuấn thường xuyên cập nhật các số liệu về hoạt động xuất, nhập khẩu để tham mưu lãnh đạo cơ quan công tác quản lý. Tuy nhiên, hiện nay, đa số các báo cáo, số liệu đều phải thực hiện thủ công gây mất thời gian, dễ dẫn đến sai sót, nhất là đối với những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như nông sản. Qua tìm kiếm, tham khảo nhiều nguồn tài liệu cùng những trăn trở, suy nghĩ đã thôi thúc anh phải cải tiến, sáng tạo. Ý tưởng Xây dựng ứng dụng theo dõi, báo cáo, đánh giá hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ra đời với kỳ vọng tạo cơ sở dữ liệu một cách đầy đủ, chính xác, phục vụ xuất khẩu gạo và có thể ứng dụng trong các mặt hàng nông sản khác.
“Tôi mong muốn hiến kế không chỉ giúp thống kê, theo dõi việc xuất khẩu gạo, nông sản mà còn giúp ngành chức năng theo dõi, rà soát các thị trường truyền thống và tiềm năng để định hướng sản phẩm, đưa nông sản của tỉnh đến với nhiều thị trường trên thế giới” - anh Tuấn chia sẻ.
Ông Mai Văn Nhiều khẳng định, 106 hiến kế của 68 tác giả gửi về CVĐ “Cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An” lần thứ 2 đã thể hiện nhiều ý tưởng, tâm huyết, trách nhiệm, tình cảm của các tác giả đối với việc xây dựng, phát triển quê hương Long An. Qua 2 năm thực hiện, CVĐ thực sự tạo lập diễn đàn thuận lợi để cử tri và Nhân dân đồng hành, tham gia đóng góp, hiến kế thực chất và ở mọi lúc, mọi nơi.
Đồng thời, các giải pháp qua hiến kế là nguồn ý tưởng giúp các cơ quan chức năng của tỉnh hiểu được nguyện vọng của nhân dân và huy động trí tuệ của xã hội đưa vào các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp quản lý, điều hành, phục vụ mục tiêu xây dựng tỉnh “Long An giàu mạnh - người dân vui vẻ, hạnh phúc - xã hội an toàn, văn minh - chính quyền trong sạch, vững mạnh”./.
Ý kiến ()