Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 31/12/2024 05:17 (GMT +7)
Một ngày nơi cù lao Ông Hổ
Thứ 4, 27/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Đến với An Giang, về thăm “Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng” nằm trên cù lao Ông Hổ, ngắm nhìn khung cảnh vùng sông nước An Giang, gặp gỡ những con người miền Tây thật thà, chân chất… sẽ là trải nghiệm thú vị với nhiều người đến từ những vùng miền xa.
Khu lưu niệm tọa lạc trên cù lao Ông Hổ, thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, người đến thăm phải đi qua phà Ô Môi mới tới được khu tưởng niệm. Người dân địa phương chia sẻ, ngày xưa khu vực này vốn mọc rất nhiều cây ô môi, bởi vậy, người dân nơi đây cũng quen gọi là bến phà Ô Môi. Dần dà, nó cũng đã trở thành địa danh gắn với người dân thành phố Long Xuyên cho tới bây giờ. Ngồi chờ phà buổi sáng, tiện thể ngắm nhìn khu chợ Long Xuyên, thưởng thức những món bánh ướt, bánh cuốn nhân đậu xanh… ngon lành của những người dân bản xứ thấy nhịp sống nơi đây đầy sức sống thấy lạ, đồng thời, ngắm nhìn những chiếc ghe chở đầy hàng hóa cập bến lấy hay giao hàng mới hiểu mảnh đất này thực sự trù phú.
Với những người dân miền Tây, điều này vốn rất quen thuộc, nhưng với người dân từ nơi khác đến, được đi phà trong khoảng 2km trên sông ngắm nhìn những ngôi nhà nổi, hoạt động của người dân vùng sông nước cũng là trải nghiệm vô cùng thú vị. Sau khoảng 20 phút trên phà, đoàn chúng tôi đã đặt chân đến với cù lao Ông Hổ, ghé ngay khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Khu di tích gồm 3 hạng mục chính là: nhà sàn, đền thờ và nhà trưng bày trên khuôn viên rộng khoảng 6ha, với nhiều cây xanh, phong cảnh đẹp, khiến khách thăm quan có dịp ngắm khung cảnh yên bình xung quanh.
Ngôi nhà sàn truyền thống của Nam Bộ
Ngôi nhà do thân sinh của Bác Tôn là cụ Tôn Văn Đề cất từ năm 1887. Nhà làm theo kiểu nhà sàn truyền thống ở nông thôn Nam Bộ. Nơi này, gắn với thời niên thiếu của bác Tôn. Đằng sau ngôi nhà cũng là nơi yên nghỉ của song thân cùng vợ chồng em trai Bác Tôn.
Bức tranh bằng vỏ dừa ấn tượng được đặt ở phía sau khu đền thờ
Khu đền thờ và nhà trưng bày được khởi công xây dựng từ năm 1997, và hoàn thành vào năm 1998, trên khuôn viên 1.600 m², đối diện với ngôi nhà thời niên thiếu của Bác Tôn. Đền thờđược xây trên gỗ tam cấp, với kiến trúc cổ đặc trưng và sử dụng loại gỗ Thao Thao – loại gỗ quý với người dân miền Tây Nam Bộ. Điểm đặc biệt là, chính điện được xây trên diện tích 110m2, tượng bán thân của Bác cũng sử dụng 110kg đồng đen ứng với năm đúc tượng mừng sinh nhật Bác Tôn 110 tuổi.
Khu trưng bày cuộc đời và sự nghiệp Bác Tôn
Đối diện với đền thờ là nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn – nơi đây các hình ảnh, hiện vật, các tư liệu và phim hình sống động giúp người xem hiểu thêm về sự nghiệp và cuộc đời của Bác.
Khách du lịch đến cù lao Ông Hổ được đi trên phà ngắm sông nước khoảng 30 phút
Chia sẻ thêm về cái tên cù lao Ông Hổ, hướng dẫn viên cho biết, vốn dĩ tên cù lao xuất phát từ một câu chuyện khá ý nghĩa. Xưa kia vùng cù lao chỉ là một cồn cát hoang vu, vắng người. Một ngày nọ, hai vợ chồng sinh sống tại đây đã tìm thấy một con vật trông như mèo mà chẳng phải mèo đang bị thương, cụt mất đuôi nằm trên đám lục bình và mang về cứu chữa, nuôi nấng. Hổ cứ thế lớn lên cùng gia đình nọ, tới khi con gái họ đi lấy chồng… Đến khi do tuổi già hai vợ chồng mất đi hổ mới trở vào rừng. Tuy nhiên, hổ vẫn thường xuyên về thăm mộ của hai vợ chồng đã nuôi nấng nó, người dân nơi đây cũng coi hổ như một người con hiếu thảo về thăm cha mẹ. Tới một ngày, người dân ở cù lao phát hiện xác hổ dạt vào bờ, do nó vượt sông ban đêm về thăm mộ hai vợ chồng thuyền chài gặp lũ. Người dân thương tiếc, chôn hổ và lập nên một miếu thờ nhỏ. Tên cù lao cũng xuất hiện từ ngày đó.
Nguồn: Vĩ Thanh – songmoi.vn
Ý kiến ()