Chủ Nhật, 12/01/2025 20:46 (GMT +7)

Một nhiệm kỳ nhiều dấu ấn

Thứ 4, 13/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII bế mạc, đã chính thức khép lại một nhiệm kỳ hoạt động dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, sôi động và đổi mới của Quốc hội.

Với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội khóa XIII đã triển khai một khối lượng lớn công việc về lập hiến, lập pháp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng và thực hiện tốt việc giám sát tối cao của mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN


Dấu ấn lớn về lập hiến, lập pháp

Quốc hội khóa XIII ghi dấu ấn với việc thông qua 107 luật, bộ luật – một con số kỷ lục từ trước đến nay (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI thông qua 84 luật, bộ luật; nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII thông qua 67 luật, bộ luật).

Văn bản pháp lý, thành tựu lập hiến, lập pháp nổi bật nhất trong 5 năm qua chính là sự ra đời của Hiến pháp 2013 – bản Hiến pháp có quá trình xây dựng với quy mô tầm cỡ nhất từ trước đến nay trong lịch sử lập hiến nước nhà với hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm trong nước, ngoài nước được tổ chức.

Những tư tưởng tiến bộ, đổi mới chứa đựng trong Hiến pháp 2013 được cử tri và cả những chuyên gia pháp lý quốc tế đánh giá là hết sức mạnh mẽ trên tinh thần phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, kế thừa thành tựu của 4 bản Hiến pháp trong hơn 70 năm dựng nước.

Hiến pháp 2013 thể hiện rõ quy định Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, phục vụ Nhân dân. Đặc biệt, Hiến pháp quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước phải tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Hiến pháp cũng khẳng định trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam của mọi công dân, lực lượng vũ trang trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Những quy định này mang đậm tinh thần đổi mới để giữ vững nền tảng kinh tế chính trị ổn định, đưa đất nước ngày một phát triển.

Quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

Về chức năng “Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”, Quốc hội khóa XIII đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến việc phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 sát với thực tiễn hơn, tập trung kiềm chế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả và đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Quốc hội cũng thảo luận, cân nhắc thận trọng và khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn của chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, xác định đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế -xã hội của vùng động lực phát triển kinh tế-xã hội phía Nam và cả nước.

Quốc hội cũng điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Tiến hành nhiều nội dung giám sát tối cao quan trọng

Liên quan đến hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành nhiều nội dung giám sát quan trọng, từ những vấn đề kinh tế vĩ mô đến các vấn đề dân sinh bức xúc như quy hoạch làng nghề, quy hoạch thủy điện, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, quản lý đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, việc tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, vấn đề oan sai…

Thông qua giám sát, nhiều hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành của các ngành, các cấp được phát hiện, nhiều kiến nghị của cử tri, của các vị đại biểu Quốc hội đã được các cơ quan chức năng nghiêm túc tiếp thu, giải quyết, tạo chuyển biến tích cực, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Việc chất vấn, giải trình được thực hiện không những ở các phiên họp toàn thể mà còn ở Ủy ban Thường vụ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, được phát thanh và truyền hình trực tiếp để đông đảo cử tri theo dõi.

Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại

Trong lĩnh vực đối ngoại, tại nhiệm kỳ này, Quốc hội đã tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 132 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132). Đây là Hội nghị quốc tế đa phương lớn nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, IPU-132 đã góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng, triển khai Chương trình Nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc sau năm 2015.

Việc tổ chức IPU-132 thể hiện tinh thần chủ động, tích cực của Quốc hội Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, không chỉ vì lợi ích quốc gia, dân tộc, mà còn vì hòa bình, hợp tác và phát triển của cộng đồng quốc tế và nhân loại.

Hoạt động đối ngoại song phương, đa phương được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt với nghị viện các nước và các tổ chức quốc tế, đưa các mối quan hệ này phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, ưu tiên phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng, truyền thống như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nghị viện Châu Âu… tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kỳ họp cuối cùng dành nhiều thời gian cho công tác kiện toàn nhân sự Nhà nước

Do yêu cầu công tác nhân sự sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhằm tạo sự đồng bộ trong công tác nhân sự, đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội đã tiến hành xem xét miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước.

Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó Chủ tịch Quốc hội, 7 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm 5 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn về danh sách 2 Phó Chủ tịch và 13 Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia và danh sách 1 Phó Chủ tịch; 3 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng-An ninh.

Việc kiện toàn nhân sự cấp cao bộ máy Nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thực hiện theo đúng chủ trương, quy định của pháp luật.

Quốc hội khóa XIII là một trong những nhiệm kỳ đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm của mình, Quốc hội Việt Nam có một vị nữ Chủ tịch: Bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Theo Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao thực hiện việc tuyên thệ trước Quốc hội sau khi được bầu.

Và cũng lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã giúp những người đứng đầu các bộ, ngành không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác. Nhiều bộ, ngành, lĩnh vực như giao thông, kế hoạch-đầu tư, ngân hàng… đã có những chuyển biến tích cực, được đông đảo cử tri ghi nhận.

Cũng tại nhiệm kỳ này, Quốc hội đã tiến hành đổi mới, cải tiến hoạt động của các cơ quan trực thuộc, của các đoàn đại biểu Quốc hội và của các vị đại biểu Quốc hội. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các vị đại biểu Quốc hội được cải thiện rõ rệt, hiệu quả công việc tăng lên.

Tòa nhà Quốc hội mới được đưa vào sử dụng, Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam đi vào hoạt động, thông tin của đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng Nhân dân các cấp được các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật đến với đông đảo cử tri và nhân dân cả nước, góp phần tốt hơn vào việc giám sát các hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các vị đại biểu dân cử.

Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, đánh giá lại cả nhiệm kỳ, các đại biểu Quốc hội cũng cảm thấy chưa hài lòng với chất lượng của một số Bộ luật và đạo luật chưa sát với thực tiễn cuộc sống, thậm chí có bộ luật phải sửa ngay khi vừa mới được Quốc hội thông qua.

Không ít quy định của luật còn nặng về nguyên tắc chung, thiếu tính ổn định, chưa xác định được nguồn lực để triển khai thực hiện. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vẫn là một khâu yếu, làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống, chưa phát huy đầy đủ tác dụng điều chỉnh các quan hệ kinh tế – xã hội.

Có thể nói, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã khép lại với sự phấn khởi, tin tưởng vào tương lai của đất nước, của dân tộc, sự kỳ vọng của nhân dân đối với một Chính phủ mới sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ cho đất nước.

Thông tin tư liệu (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu