Thứ Năm, 01/05/2025 06:50 (GMT +7)

Mùa khóm ngọt

Thứ 2, 08/02/2021 | 11:45:00 [GMT +7] A  A

Về xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức trong những ngày này, đâu đâu cũng thấy màu xanh bạc ngàn của khóm, càng vui mừng phấn khởi hơn khi năm nay cây khóm tiếp tục được mùa được giá.

 

Anh Trần Văn Điểm – Hơn 15 năm gắn bó với cây khóm tại vùng đất phèn Thạnh Lợi

Với kinh nghiệm hơn 15 năm trồng khóm, anh Trần Văn Điểm (sn 1984), ngụ tại ấp 4 cho biết: trước đây, cây khóm cũng từng lâm vào cảnh giá cả bấp bênh. Nhưng những năm gần đây, thị trường tiêu thụ khóm rất thuận lợi và giá bán ổn định ở mức cao, nên người trồng khóm có nguồn thu nhập hấp dẫn. Cụ thể, vào mùa nghịch giá khóm dao động từ 8 ngàn -12 ngàn đồng/trái loại I; còn mùa thuận cũng ở mức 4 ngàn – 5 ngàn đồng/trái loại I. Với mức giá này, người trồng khóm có thể đạt mức lợi nhuận từ 60–70 triệu đồng/ha/năm. Bởi năng suất khóm thường đạt từ 2,1 ngàn – 2,5 ngàn trái/công/năm (tương đương khoảng 18-25 tấn/ha/năm). Năm nay, gia đình anh Điểm trồng 36 hecta khóm, thời tiết thuận lợi nên khóm phát triển tốt, nhờ vậy sản lượng và chất lượng khóm đạt khoảng 30 tấn/ha.

Khóm Bến Lức có vị ngọt thanh, ăn giòn.

Anh Trần Văn Điểm, ấp 4 xã Thạnh Lợi chia sẻ:“Gia đình tôi gắn bó với cây khóm 2 đời nay với gần 30 năm, cũng giống với những loại cây trồng khác, giá khóm thường bấp bênh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ được Nhà nước quan tâm trong việc đầu tư hệ thống đê bao, chuyển giao khoa học kỹ thuật để xử lý khóm nghịch vụ cũng như việc áp dụng kỹ thuật trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGap nên giá bán ngày càng tăng cao và ổn định. Đặc biệt, trong ba năm gần đây, người trồng khóm xứ này sống khỏe lắm, đã có hộ thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ”.

Anh Văn Đình Hải tất bật chăm sóc rẫy khóm đang cho trái chín của gia đình.

Đang tất bật bên rẫy khóm, anh Văn Đình Hải, ngụ ấp 2 phấn khởi cho biết, năm nay trúng lớn vì giá khóm ở mức cao, khoảng 11.000 đồng/trái, chi phí chỉ từ 3.000-4.000 đồng/trái. Gia đình anh Hải có hơn 2ha khóm, với diện tích này anh trồng khá thưa, chỉ khoảng 40.000 bụi, trong khi các hộ khác trồng từ 25.000-35.000 bụi/ha. Với cách trồng này, trái khóm to, đẹp hơn và ở đợt thu hoạch sau vẫn còn giữ được chất lượng trái tốt. Nhẩm tính, sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh Hải lãi hơn 50 triệu/ha.

Cũng theo anh Hải, khóm đầu mùa thường có giá rất cao, nên nhiều năm nay người dân đã áp dụng phương pháp cho khóm ra trái sớm. Khi thu hoạch xong, cây bắt đầu cho ra từ 35 – 40 lá, người dân sẽ kích thích cho ra trái sớm, đúng thời điểm phát triển của cây và 6 tháng sau khóm cho thu hoạch với năng suất và giá bán cao hơn chính vụ. Nhờ vậy, cuối vụ giá khóm có thấp xuống, người dân cũng không mấy lo ngại.

“Không riêng gì tôi mà hầu hết người trồng khóm xứ này đều áp dụng phương pháp xử lý khóm cho trái nghịch vụ và chia ra 4 đợt thu hoạch trong năm, thay vì tập trung vào một mùa thuận như kiểu trồng truyền thống. Nhờ rải vụ mà khóm luôn bán được giá cao gấp 2-3 lần so với vụ thuận vào tháng 4 và 5” Anh Văn Đình Hải chia sẻ thêm.

Những cánh đồng khóm bạt ngàn, mang lại niềm vui cho người dân vì được mùa được giá.

Bà Lê Thị Lệ Thanh, Chủ tịch Hội nông dân xã Thạnh Lợi cho biết: “Hiện xã Thạnh Lợi có khoảng 400 hecta khóm. Xác định là vùng đất bị nhiễm phèn, mặn, trong khi cây khóm chịu được nồng độ phèn, mặn cao, nên địa phương chọn là cây trồng chủ lực của xã để triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị kinh tế của loại cây trồng này. Qua đó, đã thành lập được Hợp tác xã và 01 tổ hợp tác trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGap tại ấp 4 với 14 thành viên và phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng thương hiệu khóm Bến Lức. Nếu giá khóm tiếp tục ổn định ở mức cao như hiện nay trong vài năm tới, người dân xã Thạnh Lợi sẽ trở nên khá giàu nhờ vào cây trồng đặc sản này”.

Lâu nay, khóm Bến Lức đã rất quen thuộc với người tiêu dùng. Nét riêng của thương hiệu khóm Bến Lức so với các giống khóm khác là trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, thịt vàng sậm, ít nước, ăn giòn và ngọt thanh. Với đặc tính này, đặc biệt là cây khóm chịu được nồng độ phèn, mặn cao, rất phù hợp để địa phương chọn làm cây trồng thích ứng với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng như hiện nay,../.

Việt Hằng – Thái Tần

 

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu