Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 11:16 (GMT +7)
‘Mục sở thị’ chiếc bánh chưng đắt nhất Việt Nam
Thứ 5, 15/02/2018 | 20:54:00 [GMT +7] A A
Hơn nửa triệu đồng cho một cặp bánh chưng truyền thống. Cái giá ngất ngưởng, có thể mua được cả chục chiếc bánh chưng thông thường, cứ ngỡ khó có ai chịu “rút hầu bao”. Ấy vậy mà hàng ra tới đâu hết tới đó, thậm chí có những thời điểm còn “cháy hàng”. Loại bánh chưng nào mà đắt tới vậy và có gì đặc biệt làm nên chiếc bánh đó?
Khẳng định chỗ đứng
Quyết tâm giải mã những ẩn số trên, tôi tìm về làng bánh chưng Bờ Đậu (thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 8 km) nơi hiện đang đặt cơ sở sản xuất của thương hiệu bánh chưng đắt nhất Việt Nam này.
Giữa khung cảnh rộn ràng của làng bánh ngày cận Tết, các nghệ nhân người vo gạo, đãi đỗ, người ướp thịt, gói bánh, ai nấy tay nhanh thoăn thoắt dù nhiều người đã có tuổi. Quá trình “mục sở thị” tại đây đã đưa tôi đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
Đón tôi là Nguyễn Thu Hoài, một cô gái 9x trẻ trung, hết sức năng động và không ai khác, chính cô là người sáng lập ra thương hiệu Bánh chưng quà tặng Nương Bắc có giá lên tới gần 600.000 đồng/cặp, số tiền có thể mua được cả chục chiếc bánh chưng loại bình dân phổ cập.
Cô gái trẻ tự tin chia sẻ chính giá thành và bao bì đóng gói là yếu tố đầu tiên khiến Nương Bắc thu hút khách hàng vì trước nay chưa từng có sản phẩm bánh nào “bao bì đẹp tinh tế đến vậy và giá đắt đến như thế”. Tuy nhiên, Hoài cũng khẳng định để thuyết phục khách hàng chất lượng mới là yếu tố đặt lên hàng đầu.
Và cứ thế cô say sưa nói về sản phẩm tâm huyết của mình. Bánh chưng Nương Bắc được gói bằng gạo nếp nương Điện Biên hạt mẩy, ngon dẻo, nhân thịt lợn bản sạch chọn lấy phần ba chỉ nạc mỡ vừa đủ quyện trong lớp đậu xanh được chọn lựa kỹ. Mỗi chiếc bánh đều trải qua các khâu chế biến rất cầu kỳ từ nhuộm bánh với nước cốt lá riềng sao cho bánh có màu xanh mát mắt nhưng không bị nồng mùi riềng mà vẫn thơm đặc trưng của lá dong; cho đến khâu luộc bánh kỹ từ 10-12 giờ rồi bọc lại một lớp lá xanh và hút chân không đảm bảo trước khi đến tay người dùng.
Làm ra một chiếc bánh ngon, với các nghệ nhân là điều không khó. Nhưng để bánh chưng vốn rất bình dân, quen thuộc có thể trở thành một món quà biếu lịch sự, trang trọng, tự tin đặt cạnh những sản phẩm cao cấp khác, Hoài đã mạnh dạn đầu tư vào làm hình ảnh cho sản phẩm này.
Ngay từ lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường, Bánh chưng Nương Bắc đã gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng khi được đặt trong một chiếc hộp 2 tầng thiết kế tinh tế lấy ý tưởng từ những thửa ruộng bậc thang Tây Bắc.
“Chỉ được cái mã, bên trong chưa biết thế nào”, “đắt thế ai mua”, “giảm giá đi chứ”… là điều mà người tiêu dùng nói nhiều nhất về sản phẩm này những ngày đầu ra mắt.
“Thời điểm đầu, em không tự tin rằng sản phẩm sẽ bán chạy vì giá thành cao và thị trường chưa từng có sản phẩm tương tự nên ý tưởng dù hay thì vẫn rất mạo hiểm. Nhưng thực tế thì ngược lại, đến nay khách hàng không chỉ mua bánh của em để biếu tặng, mà sẵn sàng chi tiền mua bánh phục vụ bữa ăn gia đình. Điều này chứng tỏ, Nương Bắc đã có một chỗ đứng trên thị trường và điều đó càng khiến em vững tin hơn”, Hoài thẳng thắn chia sẻ với ánh mắt sáng kiên định và nụ cười rạng rỡ luôn thường trực trên môi.
Lan tỏa tinh hoa Việt
Nhớ lại 5 năm trước, thời điểm bắt đầu bén duyên với bánh chưng, cô Cử nhân Học viện Ngoại giao này cho biết, khi mới bắt đầu, cô đặt bánh chưng từ Điện Biên về Hà Nội để bán. Hồi đó, cứ bán được hàng là thấy vui nhưng kinh doanh bánh chưng có đặc thù là doanh số càng nhiều thì lợi nhuận càng giảm do chi phí vận chuyển cao, lắm khi hàng nặng cô phải thuê bốc vác tốn rất nhiều tiền.
Hoài tiết lộ trung bình mỗi tháng, cô bán được 500-700 chiếc bánh. Chỉ riêng dịp Tết 2016, cô bán ra 7.000 chiếc bánh chưng với giá từ 40-60 nghìn đồng/chiếc thu về gần 400 triệu đồng.
Sau 3 năm kinh doanh, tuy doanh số tốt nhưng rất vất vả và lợi nhuận thì lại không tương xứng khiến nhiều đối tác tại các tỉnh, thậm chí đến cả người thân và nhân viên của Hoài đều rất uể oải. Thêm nữa, việc vận chuyển bánh từ Điện Biên xuống Hà Nội mất tới 12 giờ nên phần nào ảnh hưởng tới chất lượng bánh. Điều này thôi thúc cô gái trẻ tìm hướng đi mới!
Lúc ấy đang chuẩn bị vào mùa Tết Trung thu, thị trường bánh Trung thu phục vụ nhu cầu biếu, tặng, thắp hương đang rất sôi động. Chợt Hoài nảy ra ý nghĩ: “Tại sao không tạo ra một thị trường bánh chưng sôi động như vậy?”.
Từ ý tưởng biến thành hành động, cô đưa cơ sở sản xuất về Làng Bờ Đậu, tìm đến những nghệ nhân giỏi nhất để sẵn sàng phục vụ số lượng bánh lớn, chất lượng và giảm thời gian vận chuyển. Cô nhanh chóng nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm bánh chưng quà tặng mang ý nghĩa đoàn tụ gia đình, sum vầy, gắn kết tình thân thầy trò, bạn bè, đối tác… nhân dịp Tết đoàn viên – Tết Trung thu. Nhưng ngân sách truyền thông gần như không có, Hoài tự thân vận động đi tìm gặp các chủ doanh nghiệp, đến các sự kiện có “truyền thông 0 đồng” để quảng bá sản phẩm của mình.
Theo Hoài, người trẻ bây giờ ít ai bỏ ra thời gian quá nhiều để tìm hiểu về bánh chưng, cách làm và ý nghĩa của nó mà thường chỉ biết đến bánh qua câu chuyện thời đi học về chàng Lang Liêu và Vua Hùng. Bản thân cô cũng vậy, ban đầu cô đến với bánh chưng với con mắt của người làm kinh doanh, thậm chí cô còn khá đoảng trong nội trợ. Nhưng dần tìm hiểu sâu, Hoài nhận ra đó không chỉ là một món ăn mà còn là tinh hoa văn hóa dân tộc cùng với nhiều giá trị về mặt tâm linh. Từ đó, cô lan tỏa những hiểu biết, ý nghĩa và tình yêu của mình đến với những người xung quanh.
“Dường như khách hàng cũng hiểu được quá trình vất vả và tâm huyết của em với sản phẩm này, sự trân trọng giá trị văn hóa truyền thống qua những chi tiết nhỏ tinh tế thể hiện đặc trưng của nền văn hóa lúa nước Việt Nam trên từng bao bì Nương Bắc, nên họ đã tin tưởng, ủng hộ sản phẩm bánh chưng truyền thống và ủng hộ việc đưa sản phẩm này đi xa hơn, ra khỏi đất nước hình chữ S”, Hoài kể lại.
Mùa Tết Mậu Tuất 2018 năm nay, bên cạnh dòng bánh Lang Liêu mới ra mắt phục vụ phân khúc khách hàng bình dân hay hộp bánh Ngọc Việt chứa đựng đặc trưng bánh Tết hai miền (bánh chưng và bánh tét) mang ý nghĩa sự đoàn tụ của cả dân tộc thì Hoài cùng ekip còn giới thiệu đến người dùng dòng bánh đặc biệt với số lượng rất hạn chế – bánh chữ. Đây là một sản phẩm rất kỳ công từ khi gói bánh, luộc bánh đến cả khi cắt bánh và được làm dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đỉnh cao tại Trà Vinh.
Với 1.000 hộp bánh chưng được bán hết trong mùa Tết Nguyên đán 2017, năm nay Hoài kỳ vọng sẽ bán được tới 1.800 hộp. Đặt ra mục tiêu này, cô gái trẻ tham vọng sản phẩm bánh của mình không chỉ phổ biến trong nước mà còn được biết đến rộng rãi ở nước ngoài, trước hết để phục vụ những Việt kiều xa quê hương giúp họ vơi nỗi nhớ nhà trong những ngày xuân năm mới đang tới!
Ý kiến ()