Thứ Bảy, 16/11/2024 03:34 (GMT +7)

Năm 2018 dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp

Thứ 5, 04/01/2018 | 10:09:00 [GMT +7] A  A

Tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh dịch nguy hiểm; dịch bệnh Ebola, MERS-CoV liên tục gia tăng, dịch bệnh cúm gia cầm như cúm A(H5N1), A(H7N9)… chưa khống chế được triệt để; bệnh do vi rút Zika lây truyền mạnh mẽ. Một số bệnh trước đây đã được khống chế nhưng hiện gia tăng trở lại ở nhiều quốc gia trong khu vực như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, bại liệt, sởi…

Quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết tại Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội trong đợt cao điểm. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Việt Nam có đường biên giới dài với các nước, việc giao thương đi lại gia tăng nên việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và bùng phát vào Việt Nam là rất lớn.

Trước tình hình đó, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu về nguy cơ dịch bệnh năm 2018 và những nhiệm vụ trọng tâm để phòng chống dịch bệnh của ngành y tế.

Cục trưởng đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh năm 2017, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết trên cả nước?

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu. Ảnh: Doãn Đức/Vietnam

Trong năm 2017, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào nước ta; trong đó dịch cúm A(H7N9) liên tục ghi nhận tại Trung Quốc (dịch xảy ra từ năm 2013 đến nay vẫn chưa khống chế được), dịch viêm đường hô hấp khu vực Trung Đông (MERS-CoV) tiếp tục bùng phát tại một số quốc gia khu vực Trung Đông.

Đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết Dengue vẫn là vấn đề y tế công cộng nan giải trên toàn cầu và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là một trong những bệnh do véc tơ truyền quan trọng nhất. Hiện bệnh đang lưu hành trên 128 quốc gia với khoảng 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ, mỗi năm có khoảng 390 triệu trường hợp mắc, tỷ lệ tử vong trung bình do sốt xuất huyết khoảng 2,5-5%; số người mắc sốt xuất huyết đã tăng hơn 30 lần sau 50 năm qua. Hiện nay trên thế giới chưa có biện pháp và mô hình phòng chống sốt xuất huyết nào đem lại hiệu quả mong muốn và chưa có quốc gia nào thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh này.

Tại Việt Nam, trong năm 2017, nhiều dịch bệnh có số mắc và tử vong giảm so với cùng kỳ năm 2016, không ghi nhận các trường hợp mắc cúm độc lực cao ở người (như: cúm A(H7N9), A(H5N6), A(H5N1)), bệnh sốt rét giảm 35,4 %; số tử vong do bệnh dại giảm 6%; các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, nhiều bệnh có vắc xin tiêm chủng đã giảm hàng trăm tới hàng nghìn lần so với trước khi có chương trình tiêm chủng mở rộng.Đối với bệnh sốt xuất huyết, dịch tăng cao tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam. Số mắc gia tăng từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8/2017. Từ tuần đầu tháng 9 đến nay, số mắc giảm mạnh liên tục ở hầu hết các tỉnh, thành phố sau khi đã triển khai quyết liệt, huy động toàn bộ hệ thống chính trị thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phun hóa chất diện rộng và đẩy mạnh chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy).

Tình hình sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương do nhiều nguyên nhân. Theo đó, sau nhiều năm không có dịch nên hệ thống miễn dịch trong cộng đồng bị suy giảm; thời tiết năm nay mùa hè đến sớm, năm 2017 là năm nhuận với hai tháng 6, khu vực miền Bắc có mùa nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình cao, mưa nắng thất thường, thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh.

Trong khi đó tập quán tích trữ nước của người dân chưa thay đổi đáng kể so với trước đây; sự phối hợp của người dân trong công tác phòng chống dịch chưa cao; quá trình đô thị hóa nhanh, môi trường tại nhiều công trình xây dựng, nhà máy, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý… tạo nhiều ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy khó xử lý. Đồng thời, các ổ bọ gậy nguồn tại các hộ gia đình vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhận thức của người dân về phòng chống dịch sốt xuất huyết còn hạn chế. Trong khi đó, mạng lưới cộng tác viên tại cộng đồng bị cắt giảm do thiếu kinh phí. Thực tế cho thấy, việc thành lập và đưa đội xung kích vào hoạt động cùng với mạng lưới cộng tác viên đã mang lại hiệu quả lớn trong việc phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng tại Hà Nội.

Những khó khăn trong hoạt động phòng chống dịch bệnh thời gian qua là gì thưa ông?

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tại Việt Nam, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành mặc dù hiện so với trung bình giai đoạn 2010-2015 đã giảm mạnh, song vẫn ở mức cao và có sự gia tăng cục bộ tại một số tỉnh, thành phố, khó kiểm soát, có nguy cơ bùng phát nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời như: Bệnh sốt xuất huyết; cúm gia cầm lây sang người như cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), bệnh lây truyền từ động vật sang người; một số bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng (sởi, bạch hầu, ho gà…).

Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão là điều kiện thuận lợi cho các véc tơ truyền bệnh phát triển; tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành nhiều vùng dân cư tập trung, sự gia tăng dân số, giao lưu đi lại của người dân ngày càng gia tăng có thể làm phát sinh dịch bệnh. Đồng thời, ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là xem thường dịch, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch, không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, chính quyền tại một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chưa chú trọng đầu tư cho công tác phòng dịch; việc phối hợp liên ngành trong kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và phòng chống các yếu tố nguy cơ sức khoẻ chưa chặt chẽ. Trong khi đó, mạng lưới y tế tại một số địa phương còn thiếu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu chưa hợp lý, số lượng bác sỹ chiếm tỷ lệ thấp; kinh phí cho công tác phòng, chống dịch chưa được đầu tư đúng mức, khi xảy ra dịch bệnh mới có kinh phí hoặc cấp muộn dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác phòng chống dịch…
Ông có thể dự báo về tình hình dịch bệnh năm 2018 và cho biết những hoạt động trọng tâm của ngành y tế?Năm 2018, tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp do những yếu tố khách quan và chủ quan.

Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới nên có đặc điểm tự nhiên cho bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn tới sự gia tăng và bùng phát một số bệnh truyền nhiễm liên quan có véc tơ truyền bệnh như muỗi, thiếu nước sạch… Sự giao lưu giữa các nước trong khu vực và trên thế giới dẫn đến nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam (chỉ trong vòng 24 giờ bệnh có thể từ quốc gia xa xôi nhất có thể tới Việt Nam và ngược lại). Đồng thời, tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng, mật độ dân số tăng cao nên khó kiểm soát bệnh dịch.

Một số bệnh dịch sau một thời gian dài được khống chế có thể quay trở lại vì miễn dịch cộng đồng giảm và trên thực tế cho thấy dịch sốt xuất huyết luân phiên có số mắc tăng tại các vùng. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm chưa tốt, tạo điều kiện để các bệnh truyền nhiễm gia tăng như tay chân miệng, sốt xuất huyết…

Năm 2018, công tác phòng chống dịch sẽ được triển khai ngay từ đầu năm dưới sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, tập trung ưu tiên cho phòng bệnh. Các địa phương cần có kế hoạch phòng chống dịch cụ thể được phê duyệt bởi UBND do ngành y tế tham mưu; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để toàn thể các cấp, các ngành và người dân hiểu, nâng cao vai trò và trách nhiệm tham gia công tác phòng chống dịch.

Ngành y tế tiếp tục củng cố hệ thống y tế dự phòng nói chung và mạng lưới cán bộ làm công tác phòng chống dịch nói riêng; tăng cường vai trò của y tế cơ sở, đội ngũ cộng tác viên cộng đồng; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để có chỉ đạo kịp thời.

Các cơ sở y tế nâng cao năng lực điều trị cấp cứu người bệnh, giảm thấp nhất các trường hợp tử vong; đảm bảo tốt việc cách ly, tránh lây lan và lây chéo trong cơ sở điều trị; làm tốt việc phân tuyến để tránh quá tải bệnh viện tuyến trên…

Các địa phương đẩy mạnh tiêm vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường, lưu ý khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số vì tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất; chuẩn bị đầy đủ vật tư, máy, hóa chất, trang thiết bị đáp ứng theo nhu cầu phòng chống dịch, điều trị cấp cứu bệnh nhân. Đặc biệt, kinh phí cho công tác phòng chống dịch cần được đảm bảo đầy đủ và được cấp ngay từ đầu năm; tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường kiểm tra, xử lý cá nhân, tổ chức không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch theo quy định…

Để phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh sốt xuất huyết nói riêng hiệu quả, Bộ Y tế có khuyến cáo gì đối với người dân?

Mọi người dân ai cũng có thể mắc bệnh nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Để phòng chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình cần thay đổi hành vi, thói quen chưa tốt của chính bản thân và gia đình mình.

Người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm (thực hiện ăn sạch, ở sạch, uống sạch); tích cực diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, nằm màn… Người dân cần chủ động đi tiêm chủng cũng như cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Khi phát hiện các trường hợp bị bệnh, người dân cần báo ngay cho cơ sở y tế để có biện pháp xử lý và phòng, chống kịp thời. Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi bị bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị…

Trân trọng cám ơn Cục trưởng!

Thu Phương (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu