Thứ Bảy, 18/01/2025 12:22 (GMT +7)

Năm nay bão “nhắm” dải Trung-Nam Bộ

Thứ 5, 07/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện nhiều hơn trong những tháng cuối năm, và tập trung nhiều hơn ở khu vực giữa và Nam Biển Đông, các tỉnh từ Trung Bộ trở vào phía Nam.

Bộ đội Công binh tìm kiếm cứu nạn nhân dân trong vùng lũ. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Nhận định về xu thế khí tượng thủy văn 6 tháng cuối năm 2016, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Hiện trạng kỳ El Nino kéo dài và mạnh nhất kể từ năm 1950 đã chính thức kết thúc. Trạng thái khí quyển-đại dương toàn cầu đang dần quay trở lại trạng thái trung tính (không El Nino, cũng không La Nina) trong những tháng hè năm 2016.

Các quan trắc về nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương (NINO3.4) cho thấy bề mặt đại dương đã liên tiếp lạnh đi kể từ cuối năm 2015, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực NINO3.4 giảm nhanh và ở mức 0,1 độ C tại thời điểm tuần đầu tháng 6/2016.

Theo dự báo của nhiều mô hình, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 sẽ tiếp tục giảm nhanh, gia tăng khả năng xuất hiện hiện tượng La Nina trong các tháng Mùa Thu năm nay. Hệ quả của quá trình chuyển pha ENSO (từ trung tính sang La Nina) đối với chế độ thời tiết, khí hậu nước ta trong những tháng cuối năm 2016 đó là khả năng bão, áp thấp nhiệt đới sẽ kết thúc muộn, gió mùa đông bắc hoạt động sớm, mưa lũ lớn xuất hiện với tần suất cao hơn năm 2015.

Trung tâm cảnh báo: Trên biển, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung nhiều hơn trên các khu vực giữa và Nam Biển Đông. Đặc biệt t rên đất liền, khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung nhiều hơn tại các tỉnh từ Trung Bộ trở vào Nam Bộ; mưa, bão, lũ nhiều khả năng xuất hiện hơn trong thời kỳ tháng 8 đến tháng 12.

Các phân tích và dự báo mới nhất cho thấy khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông sẽ ít hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm khoảng 12-13 cơn/năm); trong đó sẽ có khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta (trung bình nhiều năm khoảng 5-6 cơn).

Bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện nhiều hơn trong những tháng cuối năm, và tập trung nhiều hơn ở khu vực giữa và Nam Biển Đông, các tỉnh từ Trung Bộ trở vào phía Nam.

Trong các tháng 7 và tháng 8, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,0 độ C. Tháng 9 đến tháng 12 nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Các đợt nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ còn xảy ra trong nửa cuối tháng đến tháng 8, nhưng cường độ ít gay gắt và không kéo dài như các đợt nắng nóng trong năm 2015.

Lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ trong các tháng 7, 8, 9 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%; các tháng 10 và 11 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%, riêng tháng 12 có thể thiếu hụt từ 20-40%. Các đợt mưa lớn ở Bắc Bộ sẽ tập trung từ tháng 7-8 nên cần đề phòng các đợt mưa lớn trong thời đoạn ngắn.

Thiếu hụt lượng mưa trong các tháng 7 và 8 tại khu vực Trung Bộ khả năng ở mức 10-20% so với trung bình nhiều năm; các tháng 9-11 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%; tháng 12 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Tình trạng khô hạn, thiếu hụt lượng mưa ở khu vực Nam Trung Bộ sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới khoảng tháng 8-9, tình trạng này dần được cải thiện khi mùa mưa được thiết lập trên khu vực. Nhìn chung, thời điểm bắt đầu mùa mưa năm nay ở Trung Bộ có khả năng đến sớm hơn năm 2015 nhưng vẫn muộn hơn mức trung bình nhiều năm.

Lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong các tháng 7, 8, 9 và tháng 12 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%; các tháng 10 và 11 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%. Khu vực từ Trung Bộ trở vào phía Nam đề phòng các đợt mưa lớn trong thời gian các tháng cuối năm 2016, đặc biệt trong khoảng thời gian tháng 10 và tháng 11.

Mùa lũ chính vụ trên các sông Bắc Bộ có khả năng xuất hiện đúng theo chu kỳ trung bình nhiều năm với 2-3 đợt lũ lớn. Đỉnh lũ năm trên các sông phổ biến tương đương đỉnh lũ năm 2015.

Trên một số sông suối nhỏ khu vực miền núi đỉnh lũ có khả năng vượt mức báo động 3, các sông chính ở thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long ở mức trên báo động 2 đến báo động 3, hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội dưới mức báo động 1, hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức trên báo động 1. Đặc biệt, lũ muộn có khả năng xảy ra tương tự như năm 2015.

Do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ, khu vực nội thành Hà Nội sẽ xuất hiện vài đợt ngập úng cục bộ tại các vùng trũng. Lũ quét, sạt lở có khả năng xảy ra nhiều hơn so với năm 2015.

Từ đầu tháng 7-8, trên các sông ở Thanh Hóa và khu vực Tây Nguyên xuất hiện 1-2 đợt lũ vừa và nhỏ; các sông khác ở Trung Bộ có dao động nhỏ.

Lượng dòng chảy các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-60%; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 40-65%, riêng các sông ở Khánh Hòa và Ninh Thuận thấp hơn 80-90%.

Hạ lưu một số sông ở khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ có khả năng tiếp tục xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ hoặc thấp nhất lịch sử.

Tình trạng khô hạn, thiếu nước có khả năng sẽ lan rộng ra các tỉnh Trung Bộ và có khả năng kéo dài tới hết tháng 8. Xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển các tỉnh ven biển khu vực Trung Bộ.

Mùa lũ năm 2016 trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm.

Đỉnh lũ năm 2016 trên các sông đều cao hơn đỉnh lũ năm 2015 và có khả năng các sông ở Bắc Trung Bộ ở mức báo động 1 – báo động 2, xấp xỉ đỉnh lũ trung bình nhiều năm; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 – báo động 3, xấp xỉ đỉnh lũ trung bình nhiều năm, đề phòng khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét trên một số sông suối nhỏ.

Đỉnh lũ cao nhất năm 2016 trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận xảy ra vào tháng 9; trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào tháng 9 và 10, các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10 và 11.

Ít có khả năng xuất hiện lũ sớm tại đồng bằng Nam Bộ. Đỉnh lũ năm 2016 trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10 và ở mức báo động 1 – báo động 2, cao hơn năm 2015, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm.

Thời tiết trên biển, vùng ven bờ có khả năng diễn biến phức tạp hơn so với năm 2015. Nhận định gió mùa mùa hè năm nay yếu hơn so với trung bình nhiều năm, sóng trên Biển Đông và vùng ven bờ cũng sẽ có xu hướng lặng hơn so với năm 2015 và trung bình nhiều năm.

Nguy cơ nước dâng do bão, áp thấp từ nay đến tháng 12 sẽ cao hơn năm 2015. Ngoài ra, các đợt gió mùa đông bắc mạnh kết hợp với triều cường, sóng lớn sẽ tiếp tục là nguy cơ gây ngập lụt tại các khu vực trũng ven bờ và cửa sông, đặc biệt là vào thời kỳ cuối năm 2016.

Văn Hào (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu