Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 21-26/8 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế-Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.”
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn báo chí. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
– Hội nghị Ngoại giao thường được tổ chức hai năm một lần. Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết Hội nghị Ngoại giao 29 lần này có điểm gì mới?
– Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Theo truyền thống, Hội nghị Ngoại giao được tổ chức 2 năm/lần với sự tham dự đầy đủ của các lực lượng làm công tác đối ngoại ở trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. 28 Hội nghị Ngoại giao vừa qua, kể từ năm 1957, đều gắn với những bước phát triển của cách mạng Việt Nam, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đánh dấu những phát triển mới trong tư duy và hành động của ngoại giao.
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 có mấy điểm đáng chú ý: Một là, đây là Hội nghị Ngoại giao đầu tiên sau Đại hội Đảng XII. Vì vậy, Hội nghị sẽ đánh giá công tác đối ngoại trong thời gian vừa qua, đặc biệt là 5 năm nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI, rút ra bài học; xác định tư duy mới, cách làm mới, trong bối cảnh mới, để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XII.
Hai là, về bối cảnh, ở bên ngoài, môi trường chiến lược của Việt Nam đã và đang nổi lên nhiều cơ hội và thách thức mới, tác động trực tiếp đến lợi ích an ninh và phát triển. Đất nước đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, bước vào một giai đoạn phát triển mới về chất, có ý nghĩa chiến lược, đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới về tư duy, cách làm.
Ba là Hội nghị Ngoại giao 29 sẽ tiếp tục xác định nhiệm vụ chủ yếu của ngoại giao là duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Đồng thời, Hội nghị cũng sẽ là bước đổi mới tư duy một cách toàn diện trong hoạt động đối ngoại, đặc biệt là tư duy về ngoại giao phục vụ phát triển.
Bốn là, Hội nghị Ngoại giao 29 sẽ được tổ chức cùng Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc 18 (lần thứ 3 tổ chức cùng nhau) để các địa phương có cùng nắm bắt “hơi thở” của tình hình quốc tế và khu vực và quan trọng hơn là cùng đề ra các biện pháp triển khai công tác đối ngoại thống nhất từ Trung ương tới địa phương.
– Chủ đề Hội nghị Ngoại giao 29 sẽ là “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế-Thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII.” Phó Thủ tướng đánh giá những kết quả của công tác đối ngoại và tiến trình hội nhập quốc tế trong thời gian qua và phương hướng thời gian tới để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XII?
– Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Trong thời gian qua, báo chí luôn đồng hành với ngoại giao. Các bạn phóng viên không chỉ nắm rõ, theo sát nhất những thành tựu của công tác đối ngoại mà còn là người trực tiếp đóng góp vào những thành tựu đó. Các thành tựu đối ngoại đã được tổng kết tại Đại hội Đảng XII. Tôi chỉ “gói” lại một số nét lớn là: Thứ nhất, chúng ta đã giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, đưa các mối quan hệ đối ngoại quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Bên cạnh việc tiếp tục củng cố, phát triển quan hệ với Lào, Campuchia, các mối quan hệ với bạn bè truyền thống, chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác với hầu hết các nước có ảnh hưởng lớn ở khu vực và trên thế giới. Các khuôn khổ đó đã đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác, nhất là các đối tác hàng đầu như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật, Liên minh châu Âu, các nước cùng trong Cộng đồng ASEAN… đi vào khuôn khổ ổn định, đồng thời mang lại ngày càng nhiều lợi ích về kinh tế, thương mại, đầu tư, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa…
Thứ hai, công tác đối ngoại đã đóng góp tích cực và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam đã hoàn thành việc đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Thời gian tới, việc các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, quy mô lớn mà chúng ta ký kết đi vào hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và ODA.
Đến nay, Việt Nam có quan hệ kinh tế-thương mại với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 5 năm qua, chúng ta đã vận động được thêm 36 đối tác mới, nâng tổng số đối tác chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường ở nước ta lên 59 đối tác.
Những hoạt động kinh tế đối ngoại này đã đóng góp tích cực vào việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư, ODA, thu hút khách du lịch, đấu tranh chống những hành động gian lận thương mại, áp đặt các rào cản thương mại làm tổn hại tới lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và nhà nước ta.
Từ năm 2011-2015, Việt Nam có tổng mức lưu chuyển ngoại thương hàng hóa, dịch vụ đạt 1.439,5 tỷ USD, gấp gần 2,1 lần giai đoạn 2006-2010; tổng số vốn FDI đạt trên 59,5 tỷ USD, tăng 33,4% so với 5 năm 2006-2010; ký thêm được gần 27 tỷ USD hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Thứ ba, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Năm năm qua, công tác biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia đều có tiến triển. Về cơ bản, đường biên giới trên bộ của nước ta với các nước láng giềng được bảo vệ ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự, hòa bình, hữu nghị.
Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đối ngoại đã sử dụng linh hoạt, triệt để các biện pháp chính trị-ngoại giao, mọi kênh đối thoại, tiếp xúc, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời chủ động tranh thủ mọi cơ hội để giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài.
Thứ tư, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung,” bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.”
Thứ năm, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được chú trọng và triển khai tích cực, qua đó xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ kiều bào ổn định địa vị pháp lý, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khơi thêm nguồn lực cho đất nước. Công tác bảo hộ công dân đã được triển khai kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của công dân Việt Nam ở các khu vực có thảm họa thiên tai, chiến sự, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân, tàu cá Việt Nam ở Biển Đông và các vùng biển xa.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận còn không ít mặt hạn chế. Tư duy hội nhập quốc tế vẫn chuyển biến chậm, chưa theo kịp những diễn biến tình hình thế giới và khu vực. Chúng ta chưa tận dụng hết lợi ích của các mối quan hệ Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện. Nền kinh tế nước ta dễ bị tổn thương trước các biến động bất lợi của kinh tế thế giới. Chúng ta chưa tranh thủ được đầy đủ các cơ hội của hội nhập quốc tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững. Trong khi đó, phát triển và hội nhập đang tạo nhiều sức ép lên các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường.
Về phương hướng công tác đối ngoại trong thời gian tới, cơ bản là thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XII. Mục tiêu là: “Vì lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc”; phương châm là: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.” Trên cơ sở đó, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 sẽ bàn về các biện pháp triển khai cụ thể, theo một số định hướng lớn là:
Một là, xác định tư duy coi hội nhập quốc tế là công việc của sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp của tất cả các bộ, ban, ngành, địa phương, sự đồng thuận của nhân dân trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Hai là, đề ra các phương hướng, biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đưa quan hệ với các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng thực sự đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc.
Ba là, xác định và đề ra biện pháp đóng góp tích cực hơn vào việc thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, để hội nhập quốc tế thực sự tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường tiềm lực, sức mạnh tổng thể của quốc gia, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để đổi mới toàn diện đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.
Bốn là, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa quốc phòng – an ninh – đối ngoại trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa.
Năm là, đưa đối ngoại đa phương trở thành một trong những trụ cột của công tác đối ngoại trong thời gian tới.
– Hội nghị Ngoại vụ 18 có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành trên cả nước. Xin Phó Thủ tướng cho biết Bộ Ngoại giao sẽ làm gì để hỗ trợ các địa phương trong công tác đối ngoại một cách hiệu quả hơn?
– Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Đây là lần thứ ba Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc được tổ chức cùng Hội nghị Ngoại giao để các đại biểu địa phương cùng nắm bắt “hơi thở” của tình hình quốc tế và khu vực và quan trọng hơn là cùng đề ra các biện pháp triển khai công tác đối ngoại thống nhất từ Trung ương tới địa phương.
Công tác đối ngoại địa phương đã phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài, thúc đẩy thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước.
Tuy vậy, công tác đối ngoại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, tư duy hội nhập quốc tế vẫn chuyển biến chậm. Nhiều tỉnh, thành chưa gắn hội nhập với quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội của địa phương, chưa xây dựng chương trình hành động của triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai Nghị quyết này, hiện mới có 41/63 tỉnh, thành có chương trình hành động. Điều này cho thấy độ trễ khá lớn từ chính sách đến hành động.
Về phương hướng hỗ trợ địa phương trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện sẽ hỗ trợ địa phương tận dụng tối đa lợi ích của hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của địa phương, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu, đa dạng hóa thị trường, đối tác, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xuất khẩu lao động, du lịch.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao sẽ cung cấp thông tin để lãnh đạo các tỉnh, các sở, ban ngành, các doanh nghiệp và người dân nắm rõ các cam kết, thỏa thuận kinh tế mà nước ta tham gia trong thời gian qua để “đón đầu”, chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện các cam kết này, qua đó tận dụng tối đa các cơ hội mà các thoả thuận đó đem lại.
Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ các địa phương tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại lớn tại địa phương mình như tổ chức hội nghị cấp cao APEC vào năm 2017 tới, hay khi có đoàn cấp cao nước ngoài thăm địa phương, coi đây là cơ hội để quảng bá về địa phương, qua đó thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch.
Bộ Ngoại giao và các địa phương sẽ phối hợp tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại vụ cả về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ biên-phiên dịch để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí của Cơ quan ngoại vụ địa phương./.
– Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Ý kiến ()