Thứ Năm, 19/09/2024 23:04 (GMT +7)

Nâng sức cạnh tranh cho cà phê

Thứ 2, 25/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Lượng cà phê xuất khẩu năm 2015 thấp hơn năm 2014, nhưng Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới về số lượng; riêng với cà phê Robusta, Việt Nam vẫn đứng đầu. Tại diễn đàn Triển vọng và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, vấn đề quan trọng là tái canh và nâng cao khả năng cạnh tranh cà phê.

Thách thức

Cà phê thuộc nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực chỉ sau gạo. Cả nước có khoảng 650.000ha cà phê ở 22 tỉnh, thành phố nhưng chủ yếu ở Tây Nguyên, kế đến là các vùng Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ và trung du miền núi phía Bắc. Vậy nhưng ngành cà phê phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn như: Tổ chức ngành hàng chưa chặt chẽ, phát triển ngoài vùng quy hoạch, thâm canh cà phê chưa đều, nguồn nước tưới hạn chế… Điều quan ngại nhất vẫn là diện tích cà phê già cỗi khoảng 86.000ha đã trên 20 năm tuổi (chiếm 15%), 140.000ha 15-20 năm tuổi (chiếm 25%). Sự “lão hóa” ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng hạt cà phê. Năng suất bình quân giảm còn 2,2 tấn/ha so với năm 2011 là 2,3 tấn/ha.

Trong vườn ươm cây giống của WASI tại TP Buôn Ma Thuột

Số diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 năm tới khoảng 140.000 – 160.000ha. Nếu không thực hiện tốt sản lượng cà phê, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng cả về năng suất lẫn chất lượng, tác động đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Những vấn đề trên là thách thức trong chiến lược phát triển của ngành cà phê Việt Nam. Đề án tái canh vùng cà phê trọng điểm, Tây Nguyên cần tái canh 90.000ha, ghép cải tạo 30.000ha. Tuy nhiên, hiện vấn đề tái canh lại đang gặp khó khăn, không chỉ cần nguồn vốn lớn mà còn rủi ro quá cao khi tỷ lệ thành công tái canh thấp. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một trong những điều kiện để được vay vốn là nông dân phải có tên trong danh sách tái canh cà phê, được địa phương xác nhận. Nhưng việc tổng hợp danh sách rất chậm, thậm chí có huyện chưa triển khai. Nhiều nơi lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, dẫn đến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp khó khăn. Trong khi mức cho vay tín dụng thấp, tối đa chỉ 150 triệu đồng/ha và giải ngân theo tiến độ từ 2 đến 3 lần.

Mô hình Nescafé plan

Năm 2011, dự án Nescafé plan, chương trình hợp tác giữa Nestlé và các đối tác được triển khai. Dự án có sự đồng hành và hỗ trợ tích cực của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) trong việc nghiên cứu, lựa chọn cây giống, thông qua việc cung cấp giống cà phê chất lượng tốt, kháng sâu bệnh, năng suất cao nhằm tăng năng suất và thu nhập. Đến năm 2015, sau 5 năm, tổng lượng giống được phân phối cho nông dân đạt 11 triệu cây. Trả lời câu hỏi, vì sao chỉ hỗ trợ 50% kinh phí cây giống, ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận hỗ trợ nông nghiệp, cũng là Trưởng chi nhánh Nestlé Việt Nam tại Tây Nguyên, cho biết hỗ trợ 50% để nông dân có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và chăm sóc cây giống.

Bên cạnh hỗ trợ tái canh, dự án Nescafé plan còn phối hợp với Tổ chức 4C tập huấn các biện pháp kỹ thuật trên nền tảng bộ quy tắc 4C, sản xuất cà phê bền vững cho hơn một 100.000 lượt nông dân, góp phần cải thiện điều kiện môi trường, kinh tế và xã hội. Nông dân tuân thủ theo bộ quy tắc qua việc tưới nước tiết kiệm; kiểm soát sâu bệnh; ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê; bón phân hợp lý, thu hoạch quả chín; ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi và nhất là bảo vệ môi trường. Nhờ đó, việc tưới nước tiết giảm chỉ còn khoảng 300 – 400 lít nước/ha/lần tưới, thay vì dùng gấp đôi lượng nước như trước đây. Phân bón cũng giảm bớt 20% nhờ hướng dẫn nông dân biết tận dụng phế phẩm như vỏ cà phê. Từ hơn 1.500 nông dân đạt chứng nhận của Tổ chức 4C trong năm đầu tiên (2011), sau 5 năm đã có hơn 21.000 nông dân đạt chứng nhận.

Một hoạt động khác hỗ trợ 5 tỉnh Tây Nguyên là nguồn nước khi cùng tổ chức Thụy Sĩ xây dựng bản đồ nguồn nước để có khuyến cáo bà con. Qua 5 năm, chương trình góp phần nâng cao năng suất và chất lượng, tăng sản lượng cà phê lên 14%/ha, thu nhập của nông dân tăng thêm 14%/ha, tương đương 16 triệu đồng/ha/năm. Những nỗ lực này đã giúp Nestlé trở thành nhà thu mua cà phê hàng đầu tại Việt Nam, chiếm từ 20% – 25% sản lượng. Dự án tiếp tục hỗ trợ nguồn giống 5 năm tới với 4 triệu cây/năm; tập huấn thêm cho 21.000 nông hộ về kiến thức quản lý và tính toán để “doanh nhân” hóa nông dân.

SGGPO

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu