Thứ Tư, 15/01/2025 23:56 (GMT +7)

Nâng tầm giá trị lúa mùa nổi

Thứ 4, 24/11/2021 | 11:07:00 [GMT +7] A  A
Không chỉ về mặt kinh tế, lúa mùa nổi còn gắn với không gian văn hóa, giá trị bảo tồn, phát triển hài hòa kinh tế – xã hội trong biến đổi khí hậu.

Giá trị lúa mùa nổi

Lúa mùa nổi được trồng phổ biến ở ĐBSCL trước năm 1985, với diện tích lên đến 500.000 ha, trước khi các giống lúa cao sản ngắn ngày thay thế. Đặc tính của lúa mùa nổi là được trồng “thuận thiên” theo mùa nước lũ, với khả năng vươn cao từ 3 – 5m, vượt trên mặt lũ để sinh trưởng, đơm bông.

Lúa mùa nổi là được trồng “thuận thiên” theo mùa nước lũ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thời gian sinh trưởng của lúa mùa nổi khoảng tầm 6 tháng. Tuy năng suất thấp hơn lúa cao sản, nhưng bù lại lúa mùa nổi được bán với giá cao hơn do đặc tính độc đáo, với hàm lượng vitamin E cao gấp 5 lần so với các loại gạo khác.

Đặc biệt, lúa mùa nổi còn tạo sinh cơ thuận lợi cho các loại thủy sản ẩn trú, sinh sôi và phát triển trong mùa mùa nổi, giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Với những giá trị về dinh dưỡng, sinh trưởng “thuận thiên”, ít ảnh hưởng đến môi trường, và đặc biệt là mang trong mình những nét văn hóa nông nghiệp của bà con nông dân vùng ĐBSCL, lúa mùa nổi là một sản phẩm đặc biệt.Trước đây, theo phương pháp canh tác truyền thống của bà con, cây lúa mùa nổi tự ngậm sương mà nảy mầm, ngậm nước phù sa từ thượng nguồn mà lớn, hứng nắng trời mà đơm bông, hoàn toàn phó mặc cho tự nhiên.

Bảo tồn lúa mùa nổi gắn với sinh kế người dân

Tổ chức bảo Tồn Thiên Nhiên Quốc tế (IUCN) Việt Nam trong những năm gần đây có nhiều dự án hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến sinh kế thích ứng mùa nước nổi nhằm hỗ trợ cho chiến lược trữ nước vùng ĐBSCL của chính phủ.Mục tiêu của các dự án nhằm tìm kiếm và thử nghiệm các mô hình sinh kế bền vững mùa nổi (mùa lũ) nhằm giúp người dân cải thiện thu nhập bên cạnh mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi dinh dưỡng đất và trữ nước ngọt cho vùng đồng bằng đang ngày càng bị xâm nhập mặn.Năm 2020, dự án canh tác lúa mùa nổi với diện tích 30 ha được UBND Huyện Tân Hưng (Long An) tạo điều kiện quy hoạch không gian và khuyến khích người dân tham gia.

Lúa mùa nổi đem lại giá trị kinh tế và văn hóa . Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tiếp nối thành công này, năm 2021, IUCN sử dụng nguồn kinh phí từ dự án “Tăng cường sức chống chịu cho các vùng đất ngập nước khu vực hạ Mê Công (Mekong Wet) do Quỹ Khí hậu quốc tế (IKI) thuôc Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, Xây dựng và An ninh Hạt nhân Đức (BMU) tài trợ cùng với Tập đoàn Lộc Trời tổ chức sạ giống lúa mùa nổi Nàng Tây Đùm với lượng khoảng 80kg/ha bằng thiết bị bay không người lái, thay vì sạ bằng tay như thói quen trước đây của bà con.

Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ kỹ thuật, giống và bao tiêu thu mua sản phẩm, IUCN Việt Nam hỗ trợ một phần chi phí thử nghiệm mô hình, kết nối doanh nghiệp bao tiêu.

Với sự tham gia ngay từ bước đầu từ các đối tác, đến nay, mô hình thí điểm đạt được kết quả rất tốt và hứa hẹn một mùa bội thu cho nông dân.

Nguồn lợi thu từ mô hình rất đa dạng, bao gồm giảm lượng phân bón hóa chất trên đồng, ít sâu bệnh, ít dùng hóa chất, giá bán do doanh nghiệp thu mua cao và đảm bảo lợi nhuận hơn trồng lúa ngắn ngày, đất trên đồng được tích lũy phù sa từ lũ, lượng cá thiên nhiên cuối mùa lũ trong đồng rất nhiều.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động sinh kế cũng đã được thử nghiệm thành công tại vùng thượng nguồn ĐBSCL như chuyển đổi mô hình canh tác lúa vụ 3 sang trồng rau màu, sen, nuôi cá…

Trong đó, hoạt động canh tác lúa mùa nổi (floating rice) được xem là một trong những thành công nổi bật của mô hình. Lúa mùa nổi là giống lúa truyền thống vùng lũ có thể thích ứng với khô hạn hoặc nước ngập sâu 2 – 3m, nhiều dinh dưỡng và đặt trưng của vùng ĐBSCL.

Bình quân mỗi vụ, nông dân trồng lúa mùa nổi lãi trên 3,5 triệu đồng/công, hiệu quả thường cao hơn lúa cao sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Liên kết sản xuất giữa Tập đoàn Lộc Trời và các bên bên liên quan, việc canh tác lúa mùa nổi của bà con nông dân sẽ có sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ sư nông nghiệp “3 cùng”, cung cấp các giải pháp, quy trình kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ và quản lý đồng ruộng trong suốt quá trình liên kết.

Trong hoạt động này, IUCN cộng tác với Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, UBND huyện Tân Hưng (Long An) và Tập Đoàn Lộc Trời triển khai mô hình. Trong đó, IUCN Việt Nam hỗ trợ một phần chi phí thử nghiệm mô hình, kết nối doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen phụ trách việc quản lý thực hiện và giám sát dự án, UBND huyện Tân Hưng tạo điều kiện quy hoạch không gian và khuyến khích người dân tham gia, Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ kỹ thuật, giống và đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản lượng sau thu hoạch…

Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng sẽ hỗ trợ HTX đăng ký nhãn hiệu tập thể, mã số vùng trồng, mã vạch truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng lúa và nâng cao thương hiệu của lúa mùa nổi trên thị trường.

Tập đoàn Lộc trời cũng cam kết sẽ thu mua lúa mùa nổi trong dài hạn nếu nông dân tiếp tục thực hiện mô hình. Do đó, đây là một điểm sáng trong chuyển đổi sinh kế nông nghiệp bền vững trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn thiên nhiên.

Dự kiến từ đây đến khi thu hoạch vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, các kỹ sư nông nghiệp “3 cùng” sẽ sát cánh cùng bà con để chăm sóc, quản lý suốt mùa vụ, và tiếp tục ứng dụng các thiết bị công nghệ cao vào canh tác.

Trong bối cảnh khí hậu biến đổi thất thường, với 2 mùa phân hóa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô ở ĐBSCL, việc hồi sinh hệ sinh thái nông nghiệp lúa mùa nổi được xem là giải pháp nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, đồng thời tạo sinh kế ổn định cho người dân mỗi mùa nổi.

Hải Nam

https://nongsanviet.nongnghiep.vn/nang-tam-gia-tri-lua-mua-noi-d303876.html

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu