Thứ Năm, 19/09/2024 11:59 (GMT +7)

NASA và SpaceX đưa phi hành đoàn Crew-8 lên trạm vũ trụ ISS

Thứ 2, 04/03/2024 | 16:11:41 [GMT +7] A  A

Trưa 4/3 (theo giờ Việt Nam), tàu vũ trụ Endeavour của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã rời bãi phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, thuộc bang Florida (Mỹ), chở 4 phi hành gia lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) theo chương trình Crew Dragon. Tàu Endeavour được phóng lên quỹ đạo nhờ tên lửa Falcon-9 của công ty khai phá không gian SpaceX.

Các phi hành gia được đưa lên trạm vũ trụ ISS bằng tàu vũ trụ Endeavour tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida, Mỹ ngày 4/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ năm 2020, SpaceX đã cung cấp dịch vụ đưa phi hành gia lên ISS theo Chương trình phi hành đoàn thương mại của NASA. Các phi hành gia lên ISS trong sứ mệnh Crew-8 lần này là 3 nhà du hành người Mỹ Matthew Dominick (chỉ huy tàu), Jeanette Epps và Michael Barratt - chuyên gia về y học hàng không vũ trụ, cùng nhà du hành người Nga Alexander Grebenkin.

Dự kiến, phi hành đoàn sẽ cập bến ISS sau 16 giờ bay. Trong thời gian 6 tháng làm việc trên ISS, phi hành đoàn Crew-8 sẽ thực hiện khoảng 250 thí nghiệm trong môi trường vi trọng lực của quỹ đạo, trong đó có sử dụng tế bào gốc để tạo ra các cụm tế bào (có thể phát triển và sinh trưởng trong môi trường nuôi cấy 3D) nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu các bệnh thoái hóa, tận dụng môi trường vi trọng lực để tế bào phát triển 3 chiều. 

Các thành viên của Crew-8 sẽ hội ngộ các nhà du hành đang có mặt trên ISS, gồm 3 nhà du hành người Nga và 4 nhà du hành thuộc sứ mệnh Crew-7. Sau khoảng 1 tuần bàn giao công việc, các thành viên của Crew-7 (gồm 2 người thuộc NASA, một người Đan Mạch và một người Nhật Bản) sẽ trở về Trái Đất trên tàu Dragon.

ISS được thiết kế để thực hiện các thí nghiệm về môi trường không gian và vi trọng lực xung quanh Trái Đất ở độ cao trung bình 400 km. Có chiều dài bằng một sân bóng đá, ISS là vật thể lớn nhất do con người tạo ra trong không gian. ISS chỉ cần khoảng 93 phút để quay một vòng quanh Trái Đất, hoàn thành 15,5 vòng quay theo quỹ đạo mỗi ngày.

Thanh Phương (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu