Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 15/11/2024 11:57 (GMT +7)
Nga sẵn sàng đưa thuốc chữa ung thư đặc hiệu mới đến với Việt Nam
Thứ 6, 14/04/2017 | 09:49:00 [GMT +7] A A
Ở giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng, BTS-70 cho thấy rõ khả năng chống được tất cả các loại khối u ác tính thậm chí khi bệnh ung thư đã ở vào giai đoạn cuối cùng. Nếu thành công, Nga sẵn sàng phổ biến chế phẩm mới này đến Việt Nam.
Để làm rõ hơn về một chế phẩm mới của Nga có khả năng chống lại các loại ung thư rất khả quan có tên gọi là “protein sốc nhiệt” mà báo Tin Tức đã đưa tin, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Andrey Symbirtsev, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu khoa học quốc gia các chế phẩm đặc biệt tinh khiết thuộc Cơ quan Y-Sinh liên bang Nga.
Đây là một chế phẩm đang được Viện nghiên cứu khoa học quốc gia các chế phẩm đặc biệt tinh khiết thuộc Cơ quan Y-Sinh liên bang Nga (FMBA) nghiên cứu, đồng thời thu hút được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc về hy vọng mới cho điều trị ung thư.
Giáo sư Andrey Symbirtsev trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. |
PV: Xin chào giáo sư. Xin giáo sư giải thích rõ hơn về loại chế phẩm này. Khác biệt của chế phẩm đó với các loại thuốc chống ung thư hiện nay là gì?
GS Symbirtsev: Xin cảm ơn báo Tin Tức đã quan tâm đến chế phẩm mới chống ung thư của chúng tôi. Chế phẩm này dựa trên cơ sở các protein sốc nhiệt, nhóm protein này được ký hiệu bằng con số, và loại protein mà chúng ta nói tới mang số 70 (BTS-70). Đây là loại protein nội sinh được tổng hợp từ chính các tế bào của cơ thể người và động vật, có chức năng phản ứng lại các tác động stress, giúp các tế bào vượt qua cơn stress này. Protein giúp tế bào đáp trả cơn sốc nhiệt được gọi tên là “protein sốc nhiệt”. Thế giới đã biết đến loại protein này từ lâu, nó thuộc nhóm các protein Chaperone, tham gia vào việc trình diện các kháng nguyên hệ miễn dịch, trong đó có cả các kháng nguyên ngoại sinh, kháng nguyên ung bướu. Viện chúng tôi đã quyết định thử sử dụng đặc tính đó của BST-70 để chống lại ung thư.
Cơ chế là khi được xử lý, các protein sốc nhiệt sẽ thể hiện mạnh hơn với hệ miễn dịch những kháng nguyên ngoại sinh mà chúng có, trong đó có kháng nguyên ung bướu, như vậy chúng ta có thể tạo ra sự tăng phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các khối u. Nói một cách đơn giản chống lại khối u có nghĩa là phải làm cho các tế bào ung bướu chết đi, chế phẩm này tạo ra cái chết đó một cách tự nhiên bằng cách dùng các chất tác động đến đặc tính của tế bào ung thư, không phải do can thiệp như các biện pháp điều trị ung thư truyền thống hiện nay như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Đây chính là sự khác biệt mà tôi cho là ưu việt của chế phẩm này.
Lượng protein trên không có nhiều trong tế bào, nhờ công nghệ sinh học tái tổ hợp, chúng tôi đã tạo ra được chủng protein tái tổ hợp nhân tạo để sinh protein, và như vậy chúng ta có thể có được số lượng protein không hạn chế để chế ra thuốc. Protein được làm sạch đến trạng thái đồng nhất, và được thử nghiệm trên nhiều dạng ung thư ở động vật. Khi tiêm protein BTS-70 vào động vật ung thư, chúng tôi thu được hiệu ứng bảo vệ, như vậy là quả thật động vật đã sinh ra kháng thể chống lại ung thư khi được tiêm loại protein này. Kết quả đó đem lại hy vọng, và thuyết phục chúng tôi rằng protein có thể có hiệu quả đối với con người.
Nói chung cách tiếp cận của chúng tôi thuộc nhóm liệu pháp miễn dịch. Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng chế phẩm BTS-70 đang ở giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng, có nghĩa là thử nghiệm tất cả các chỉ số an toàn, trước khi thử nghiệm cho người. Chúng tôi đồng thời mở rộng nghiên cứu các dạng ung thư ở động vật, chế phẩm này có thể chữa được các dạng nào, hình thức thuốc từ chế phẩm sẽ là gì, cách thức đưa vào cơ thể, toàn diện hay cục bộ v..v… Chúng tôi đang kết thúc giai đoạn này, hy vọng là vào cuối năm nay, và sang đầu năm 2018 sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện rồi mới đến lâm sàng trên bệnh nhân, thường giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng 2-3 năm. Sau khi có kết quả mới có thể bàn đến việc sử dụng rộng rãi. Song không thể loại trừ những rủi ro tại bất kỳ giai đoạn thử nghiệm nào. Chỉ một thử nghiệm lâm sàng đầy đủ mới có thể chứng minh được hiệu quả của loại chế phẩm này.
Về vấn đề mà rất nhiều bạn đọc Việt Nam quan tâm. Việt Nam là đất nước anh em của Nga, và chúng tôi luôn sẵn lòng hợp tác và giúp đỡ người bệnh. Tôi rất hiểu tâm trạng tuyệt vọng của những người bệnh ung thư, thậm chí có thể đối với ai đó đây là hy vọng cuối cùng. Song chỉ có Bộ Y tế Nga mới có quyền đưa ra quy định, lựa chọn bệnh nhân để thử nghiệm, có nghĩa là chỉ định cơ sở lâm sàng để tiến hành thử nghiệm. Tuy nhiên khi chúng tôi đã hoàn tất thử nghiệm ở trong nước và có kết quả, chúng tôi có thể (thông qua sự hỗ trợ của các bạn) đưa chế phẩm mới đến Việt Nam và tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở các trung tâm lâm sàng của Việt Nam nếu có nhu cầu.
PV: Xin giáo sư đánh giá về khả năng tiếp cận loại chế phẩm mới đối với người bệnh, trong đó có người bệnh ở các nước đang phát triển như Việt Nam?
GS Symbirtsev: Chúng tôi hy vọng sẽ sản xuất được loại thuốc mới này tại Nga, cụ thể là tại Viện của chúng tôi ở St.Peterburg. FMBA có cơ sở sản xuất được cấp phép riêng. Và khi sản xuất thuốc tại Nga thì chắc chắn sẽ giá rẻ hơn so với thuốc sản xuất tại các nước phương Tây. Đôi khi có những loại thuốc giá quá đắt khiến bệnh nhân không thể mua nổi. Ở đây chúng ta có hy vọng sẽ sản xuất được loại thuốc cho đông đảo các tầng lớp bệnh nhân, giá thành sẽ phổ thông.
Nếu thành công, chúng tôi sẵn sàng phổ biến chế phẩm mới đến Việt Nam cũng như các nước khác và luôn hoan nghênh các nhà đầu tư. Chúng ta sẽ hy vọng rằng kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng tích cực để có thể công bố rộng rãi và tiến hành các hợp tác với những bên quan tâm, mang lại cơ hội mới cho các bệnh nhân.
PV: Giáo sư có ý kiến như thế nào nếu bây giờ có các doanh nghiệp Việt Nam muốn hợp tác đầu tư vào nghiên cứu này?
GS Symbirtsev: Chúng tôi sẵn sàng xem xét các đề nghị. Bất kỳ ý tưởng đầu tư nào lúc này cũng rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt là ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng khi chi phí rất lớn.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư.
Tâm Hằng (P/v TTXVN tại LB Nga)
Ý kiến ()