Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 07/01/2025 04:07 (GMT +7)
Ngăn chặn tour du lịch ‘0 đồng’ – Bài 1: Chiêu bài hấp dẫn du khách
Thứ 2, 19/08/2019 | 09:18:00 [GMT +7] A A
Hiện có nhiều lỗ hổng, bất cập trong công tác quản lý mô hình tour du lịch tour du lịch ‘0 đồng’, đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm vào cuộc khắc phục.
Khách du lịch qua Cửa khẩu Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN
Năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đón được khoảng 800 ngàn lượt khách đến từ thị trường Trung Quốc (chiếm 15% tổng lượng khách quốc tế). Riêng 5 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp lữ hành đón được 432 ngàn lượt khách Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Lê Minh Tân: Có tới 70% số khách Trung Quốc đến với Quảng Ninh sử dụng các dịch vụ chất lượng thấp. Vì vậy, trong con mắt của nhiều du khách Trung Quốc sau mỗi chuyến tham quan là một hình ảnh méo mó về du lịch Hạ Long – Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Có nhiều lỗ hổng, bất cập trong công tác quản lý mô hình tour du lịch giá rẻ này đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm vào cuộc khắc phục.
Làn sóng khách du lịch Trung Quốc đi tour với giá rẻ (hoặc tour du lịch “0 đồng”) có thể bùng phát bất cứ lúc nào mỗi khi cơ quan quản lý nhà nước có phần lơ là. Theo phản ánh của Hiệp hội Du lịch, hiện nay doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc đang chào giá sang Việt Nam theo hướng: Khi đến một điểm du lịch tại Trung Quốc (như Bắc Hải, Quế Lâm, Nam Ninh…) khách sẽ được khuyến mại đi Việt Nam (Hạ Long, Quảng Ninh và một số điểm tại Hà Nội) với giá thấp, đặc biệt nhiều trường hợp không thu phí.
Thực tế, mức chi phí thấp nhất cho một khách du lịch Trung Quốc tham quan ở Việt Nam ở mức 1,7 – 2 triệu đồng/khách cho chương trình 4 ngày, 3 đêm (không bao gồm chi phí cấp visa, theo quy định là 25USD/khách). Với giá tour thấp, khách du lịch Trung Quốc khi đến với Quảng Ninh chỉ được ở các cơ sở lưu trú dạng nhà nghỉ hoặc khách sạn 1, 2 sao; ăn những bữa ăn có mức 15 – 18 NDT/khách/bữa, tương đương với suất cơm 50 – 60 ngàn đồng; sử dụng phương tiện vận chuyển chất lượng thấp.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành trong nước thường xuyên bị phía Trung Quốc ép giá, doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận và chỉ đạo hướng dẫn viên ép khách đến mua thêm điểm tham quan, mua sắm hàng kém chất lượng nhưng giá cao đã gây bức xúc đối với khách du lịch và làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam.
Thông thường, khi đến với Quảng Ninh khách Trung Quốc sẽ phải đến từ 3 – 4 điểm mua hàng. Khi khách đến các điểm mua hàng, công ty lữ hành hai bên, hướng dẫn viên Trung Quốc, Việt Nam và lái xe sẽ được các điểm bán hàng trích hoa hồng và tiền “đầu khách”. Số tiền này sẽ bù đắp phần còn thiếu của giá tour và lương của hướng dẫn viên.
Giữa tháng 7 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp các đơn vị Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm tra hai trung tâm mua sắm lớn tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nơi được cho là những điểm bán hàng cho đoàn khách du lịch Trung Quốc đi tour giá rẻ.
Qua kiểm tra ở hai cửa hàng mua sắm ASEAN và Thương trường quốc tế Hồng Nguyên, lực lượng chức năng ghi nhận nhiều mặt hàng được bày bán như thuốc, mỹ phẩm, vàng bạc trang sức, đồ mỹ nghệ…; đặc biệt, có rất nhiều mặt hàng đồng hồ, kính mắt, túi xách của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Rolex, Omega… với giá bán từ vài trăm ngàn đồng tới vài trăm triệu đồng.
Bước đầu có thể thấy hầu hết hàng hóa đều có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các thương hiệu nổi tiếng rất phổ biến… Ước tính, số lượng hàng hóa vi phạm có trị giá khoảng vài chục tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, người đại diện cả 2 trung tâm mua sắm trên đều không xuất trình được các hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa theo quy định.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên, việc kiểm tra đột xuất 2 trung tâm mua sắm trên của các lực lượng chức năng cũng xuất phát từ phản ánh của khách du lịch Trung Quốc đã mua phải hàng kém chất lượng tại đây.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Lê Minh Tân nhấn mạnh: Doanh nghiệp lữ hành luôn lấy lợi nhuận làm đầu. Du lịch giá rẻ hay tour “0 đồng” chỉ là trò lừa đảo. Các doanh nghiệp lữ hành sẽ tìm mọi cách moi tiền của khách du lịch từ chiêu trò mua sắm hàng lưu niệm. Thậm chí đã xuất hiện một số doanh nghiệp trong nước cho người Trung Quốc “núp bóng” để thực hiện kinh doanh lữ hành trái phép.
Tại cuộc đối thoại nhằm giải quyết vướng mắc, bất cập trong thi hành quy định pháp luật về du lịch đối với doanh nghiệp do Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) tổ chức mới đây tại Hạ Long, lãnh đạo Sở Du lịch các tỉnh Quảng Ninh và Quảng Nam phải thốt lên rằng: Khách sạn, nhà hàng, spa, cửa hàng lưu niệm đều là của người Trung Quốc, chúng ta chỉ làm thuê cho họ với phần chi phí gốc bèo bọt.
Ý kiến ()