Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 10:32 (GMT +7)
Ngân hàng dành 100.000 tỷ đồng cho thu mua tạm trữ lúa gạo Đông Xuân
Thứ 4, 27/02/2019 | 11:38:00 [GMT +7] A A
Các ngân hàng thương mại đã thống nhất lãi suất cho các doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn, thực hiện thu mua lúa gạo tạm trữ là 6%/năm, tổng số vốn thực hiện chương trình này là 100.000 tỷ đồng.
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuận lợi trong việc thu mua lúa gạo Đông Xuân tạm trữ, chờ giá lên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kêu gọi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phối hợp để tạo các cơ chế chính sách mở, giúp các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn tín dụng nhanh nhất, nhiều nhất có thể để giúp hàng chục triệu nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo tiêu thụ hết lúa và lợi nhuận cao.
Ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn
Trong suốt 4 ngày qua, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lúa gạo đã khẩn trương thu mua lúa Đông Xuân của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Dù hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng xuất khẩu mới kể từ sau đợt giao hàng từ cuối tháng 1/2019, nhưng các doanh nghiệp vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, bắt đầu thu mua lúa ngay từ đầu vụ.
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo nhận thấy, đơn hàng mới chưa có, nhưng giá lúa thấp là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp nếu muốn tham gia cạnh tranh với lúa gạo giá thấp của các quốc gia Pakistan, Ấn Độ tại thị trường châu Phi.
Đối với các hợp đồng tập trung ký kết với Philippines và Malaysia, thu mua ngay từ đầu vụ cũng là giá tốt để thực hiện đấu thầu. Bởi, trong 1 năm trở lại đây, Chính phủ Philippines và Malaysia chuyển hướng nhập khẩu gạo bằng hình thức đấu thầu, nguồn cung được mở rộng sang các quốc gia xuất khẩu gạo ngoài Việt Nam.
Thu hoạch lúa Đông Xuân 2016 – 2017 tại xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN
Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện lãi suất cho vay tối thiểu của các ngân hàng thương mại là 6,5%. Nhưng chương trình thu mua tạm trữ gạo là chương trình mục tiêu quốc gia, mang lại hiệu quả lớn trong việc hỗ trợ hàng chục triệu nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ hết sản lượng lúa Đông Xuân 2018-2019. Các ngân hàng thương mại đã thống nhất lãi suất cho các doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn, thực hiện thu mua lúa gạo tạm trữ là 6%/năm, tổng số vốn thực hiện chương trình này là 100.000 tỷ đồng. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm 50% tổng số vốn này.
Khi thực hiện chương trình cho doanh nghiệp vay vốn thu mua tạm trữ lúa Đông Xuân, các ngân hàng sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cho phía doanh nghiệp. Hiện ngành lúa gạo đang trở thành tâm điểm nóng, vì năng lực sản xuất cao nhưng đầu ra hẹp, giá lại giảm. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người sản xuất lương thực cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), trước sự cấp bách này, các ngân hàng thực hiện “3 không” với nguồn vốn cho vay. Đó là, không lợi nhuận cho vay, không lợi nhuận thanh toán và không lợi nhuận mua bán. Với mức lại suất cho 6% kỳ hạn ngắn hạn (từ 3 tháng đến 6 tháng), còn thấp hơn lãi suất huy động vốn của nhiều ngân hàng. Phía ngân hàng ngoại thương sẽ cơ cấu nguồn vốn cho vay Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc và Tổng Công ty Lương thực miền Nam là 5.000 tỷ đồng, còn lại sẽ cơ cấu vốn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo khác khi đáp ứng các tiêu chí cho vay của ngân hàng ngoại thương.
Ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh, để xử lý các vấn đề thị trường, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định tỷ giá, ổn định lãi suất, và ngoại tệ tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Đồng thời, đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng, vốn kịp thời, chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung vốn nhu cầu cho thu mua tạm trữ lúa gạo. Các tổ chức tín dụng này phải làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp để không chế giá lúa giảm hiện nay.
Giảm diện tích lúa, hướng đến chất lượng
Trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại Đồng Tháp ngày 26/2, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo đồng loạt đưa ra nhận xét, việc các bộ, ngành Trung ương và Ngân hàng Nhà nước kịp thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu giải, không phải thu mua tạm trữ nhưng tổng sản lượng lúa Đông Xuân vẫn được tiêu thụ hết, nông dân đảm bảo lợi nhuận 30% mới là mục tiêu hướng đến.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, hiện các quốc gia trên thế giới đều có xu hướng đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa nguồn cung và đa dạng hóa thị trường cung ứng. Sự cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương vẫn tiếp tục đàm phán, mở rộng thị trường nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, hướng đi tiếp theo của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành gạo Việt Nam nói riêng là phải tập trung vào chất lượng sản phẩm.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp sẽ quy hoạch giảm 500.000 ha sản xuất lúa tại các khu vực xâm nhập mặn, diện tích vùng cao, vùng trũng và vùng ven đô. Ước tính, sản lượng lúa sẽ giảm 1 triệu tấn. Như vậy, nông dân và các doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư chất lượng sản phẩm, thay vì chạy theo số lượng như hiện nay.
Song song với chiến lược này, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị vẫn là “linh hồn” của sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Liên kết sản xuất theo chuỗi tuy đã được thực hiện gần 10 năm, nhưng chưa phát huy hết hiệu quả của nó.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ Cao Trung An (Cần Thơ) nhấn mạnh, chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo khi được thực hiện chặt chẽ sẽ phát huy hết hiệu quả của nó. Với chuỗi này, nông dân không còn sản xuất đơn lẻ, tất cả sẽ hình thành nên hợp tác xã và tổ hợp tác, liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp trên hợp đồng thương mại cụ thể. Có như vậy, khi đến vụ thu hoạch, nông dân không phải chờ thương lái đến thu mua lúa gạo như hiện nay, Chính phủ cũng không cần ra lời kêu gọi thu mua tạm trữ khẩn cấp để giúp nông dân tiêu thụ lúa gạo.
Tiêu chuẩn của người tiêu dùng trong nước và người tiêu dùng thế giới hiện nay vốn không dừng lại ở hàng rào thuế quan hay rào cản thương mại. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hầu hết người tiêu dùng thế giới đều chú trọng đến sức khỏe, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Nếu nông dân Việt Nam và doanh nghiệp chỉ tập trung vào số lượng sẽ bỏ quên chất lượng, thiếu truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ tự tạo ra rào cản cho chính mình.
Vì vậy, sản xuất ít, nhưng có đầu tư chất lượng, sẽ tạo ra giá trị sản phẩm cao, vừa giúp nông dân có nhiều thời gian để tìm hiểu sâu hơn về các tiêu chí và kỹ thuật sản xuất. Có như vậy, nguồn năng lực sản xuất mới phát triển, cạnh tranh không chỉ trên sản phẩm, mà phải cạnh tranh trên cả trí tuệ sản xuất, mới chiến thắng trong cuộc chơi khốc liệt hiện nay.
Ý kiến ()