Chăn nuôi trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi hội nhập. Ảnh minh họa
Sức ép không nhỏ
Ông Hoàng Công Trang – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TH – lo ngại: Khi TPP được ký kết, thực phẩm từ các nước có nền nông nghiệp phát triển sẽ tràn vào Việt Nam. Ông Trang nhớ lại: Mới đây, khi thịt gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam bán với giá hơn 20.000 đồng/kg đã khiến 15.000 hộ nông dân/chủ trang trại nuôi gà ở khu vực Đông Nam bộ lao đao. Ngoài ra, giá sữa bột năm nay giảm sâu, nhiều nông dân đổ sữa tươi ra đường, doanh nghiệp chế biến sữa tươi cũng gặp khó. Vì vậy, nếu thuế xuất nhập khẩu bằng 0% như cam kết TPP, ngành chăn nuôi trong nước sẽ gặp nhiều thách thức.
Theo ông Lê Quang Thành – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương, ngành chăn nuôi trong nước thực chất đã gặp khó khăn từ nhiều năm trước đây. Ví dụ: Tổ chức chăn nuôi yếu kém dẫn đến chi phí cao hơn các nước phát triển 30-35%. Khi Việt Nam tham gia TPP, ngành chăn nuôi càng chịu sức ép lớn, buộc phải thay đổi tư duy quản lý, sản xuất – kinh doanh.
Tại vùng chăn nuôi gà nổi tiếng Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, người chăn nuôi cũng lo thất thế khi hội nhập. Ông Vũ Trí Hải – Chủ tịch UBND huyện Yên Thế – cho hay: Gà đồi Yên Thế dù đã có thương hiệu, song do thiếu liên kết trong sản xuất- chăn nuôi – tiêu thụ, chất lượng giống chưa đồng đều nên giá cả bấp bênh. Để giữ vững và phát triển thương hiệu gà đồi Yên Thế, không còn cách nào khác là tái cơ cấu lại chăn nuôi.
Từng bước gỡ khó
Bên cạnh những thách thức, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – khẳng định: Khi TPP được ký kết, nhìn một cách tổng thể, ngành chăn nuôi sẽ có cơ hội nhất định như: Giá con giống, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, máy móc sản xuất… giảm do hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.
Nhằm từng bước gỡ khó cho ngành chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Quan điểm chỉ đạo chung là không khuyến khích tăng số lượng đầu con mà tập trung tăng chất lượng, hạ giá thành, nâng cao giá trị gia tăng. Mục tiêu chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm có lợi thế.
Một số doanh nghiệp đã nỗ lực trong sản xuất, chế biến để có sản phẩm tốt nhất, đạt chuẩn quốc tế. Ông Hoàng Công Trang- chia sẻ: Chăn nuôi bò, chế biến sữa của 3 nước trong TPP gồm Úc, Mỹ, New Zealand đã đạt tiêu chuẩn cao về an toàn, chất lượng. Do đó, Tập đoàn TH chủ động áp dụng mô hình sản xuất sữa tươi sạch bằng công nghệ hiện đại, đón đầu và đáp ứng đầy đủ yêu cầu hội nhập. Hiện nay, sản phẩm sữa tươi sạch TH đảm bảo cạnh tranh ngang bằng về chất lượng với 3 cường quốc sữa nói trên.
Đại diện Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu- cho hay: Công ty đã tiến hành đầu tư trại chăn nuôi tập trung với quy mô 1.000 con/trại, đồng thời áp dụng các công nghệ chăn nuôi hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ.
Dự báo, khi TPP có hiệu lực, các mặt hàng được nhập khẩu nhiều vào Việt Nam gồm: Thịt bò đông lạnh từ Mỹ, Canada, Úc; sữa của Úc, New Zealand; thịt lợn đông lạnh (Mỹ)…
Quỳnh Nga – Lan Anh (Báo Công Thương)
Kỳ II: Thay đổi để thích ứng
Ý kiến ()