Chủ Nhật, 19/05/2024 00:10 (GMT +7)

Ngành chế biến hạt điều trước bài toán hợp tác

Thứ 2, 28/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam liên tục đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều, năng lực chế biến hàng năm lên tới 1,4 triệu tấn (chiếm gần 50% trong tổng số 2,9 triệu tấn điều thô chế biến trên toàn cầu). Nhưng cũng từ đây, ngành điều Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước châu Phi, khu vực chiếm 40% sản lượng điều thô thế giới.

Hợp tác là xu thế

Đầu những năm 2000, khi công suất chế biến các nhà máy vượt quá sản lượng thu hoạch trong nước, các doanh nghiệp (DN) đã nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ các nước châu Phi. Thời điểm đó, các DN chỉ nhập khẩu khoảng 20% – 30%, còn lại 70% – 80% là sử dụng nguồn nguyên liệu điều thô trong nước, nhưng đến năm 2014 đã tăng lên phải nhập 50% sản lượng điều thô mới đủ chế biến hàng chất lượng cao để xuất khẩu. Và năm 2015, các DN đã nhập trên 860.000 tấn, chiếm hơn 60% sản lượng chế biến. Bên cạnh công suất chế biến các nhà máy tăng lên, còn có lý do sản lượng nguyên liệu điều thô trong nước giảm xuống do cây điều không cạnh tranh lại được với những cây công nghiệp khác có giá trị hơn như cà phê, cao su, hồ tiêu, nên cây điều chỉ bám vùng đất mà những cây khác không trụ lại được. Ngay cả như Bình Phước, được mệnh danh là thủ phủ cây điều cả nước, chất lượng hạt khi chế biến được khách hàng nước ngoài đánh giá là có mùi vị đặc trưng và ngon nhất, diện tích điều cũng bị giảm mạnh, còn 134.000ha so với 170.000ha năm 2007.

Áp dụng công nghệ khi chế biến hạt điều sẽ đạt tiêu chuẩn cao khi xuất khẩu. Ảnh: Thành Trí

Châu Phi là khu vực có vùng nguyên liệu điều thô lớn nhất thế giới, chiếm 40% sản lượng điều toàn cầu. Vì vậy, trong số 867.000 tấn điều thô nhập khẩu năm 2015 từ 25 nước, chủ yếu từ khu vực này. Thời gian đầu, việc nhập khẩu điều thô từ châu Phi, các DN Việt Nam phải qua trung gian là các nhà môi giới Ấn Độ, gần đây nhiều DN đã mua bán trực tiếp với các nhà xuất khẩu điều châu Phi, giá mềm hơn. Nhưng DN Việt Nam gặp những khó khăn như việc thanh toán tiền hàng, không kiểm soát chất lượng, tổn thất trên đường vận chuyển. Không ít DN châu Phi thiếu tôn trọng hợp đồng (trì hoãn việc giao hàng để ép giá hay gian lận về chất lượng), khi tranh chấp xảy ra rất khó xử lý…

Vì vậy, cuối năm 2013, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vinacas tổ chức Hội nghị phát triển điều Việt Nam – châu Phi tại TPHCM với sự hiện diện của các nhà cung cấp điều thô đến từ các nước Bờ Biển Ngà, Ghana, Guinea Bissau, Nigeria, Benin… và Liên hiệp Hội điều châu Phi (ACA). Mới đây, Hội đồng Bông và Hạt điều Bờ Biển Ngà (CCA) đã có bước đi cụ thể hơn như CCA bảo đảm việc thực hiện hợp đồng, nhưng mỗi bên lại có mục tiêu khác nhau.

Hợp tác đến mức nào?

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Vinacas, cho biết, trong 867.000 tấn điều thô Việt Nam nhập, riêng Bờ Biển Ngà chiếm 302.000 tấn (36%). Tuy nhiên, việc giao dịch có nhiều bất ổn từ phía bán. Đây cũng là quốc gia có tham vọng và chiến lược rõ ràng trong việc đẩy mạnh chế biến ngay trong nước với thiết bị, công nghệ và nhân lực từ Việt Nam. Ông Malamine Sanogo, Tổng giám đốc CCA, nhấn mạnh: “Bờ Biển Ngà là nước sản xuất điều thô lớn nhất toàn cầu, năm 2016 thu hoạch khoảng 725.000 tấn nhưng khả năng chế biến chỉ đạt 45.000 tấn (6%), năng suất điều chỉ 0,4 – 0,7 tấn/ha so với Việt Nam khoảng 1,2 – 1,4 tấn/ha. Vì vậy, chúng tôi mong muốn hợp tác với các bạn nhằm học hỏi kinh nghiệm cải tạo vườn điều và kêu gọi DN Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến tại Bờ Biển Ngà. Nếu hai bên hợp tác tốt chắc chắn cả hai cùng thắng”. Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, hợp tác là xu thế, nhưng hợp tác như thế nào là điều phải tính đến khi cả hai đều có mục tiêu khác nhau

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, khẳng định Vinacas sẵn sàng hỗ trợ Bờ Biển Ngà kỹ thuật nhằm tăng năng suất từ 0,4 tấn lên khoảng 1 tấn/ha. Ngoài ra, các DN chế biến điều Việt Nam có thể đầu tư xây dựng các nhà máy cắt tách vỏ điều tại Bờ Biển Ngà sau đó mang về Việt Nam chế biến sâu. Trước mắt, hai nước hợp tác theo hướng này, đảm bảo đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, CCA không muốn chỉ như vậy. Vì thế, CCA còn hợp tác với Đại học Bách khoa TPHCM khi ký kết với Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ. Theo đó, trung tâm sẽ chuyển giao một số phương tiện máy móc cũng như cung cấp nguồn nhân lực qua Bờ biển Ngà để đào tạo nhân sự nhằm vận hành nhà máy sản xuất điều tại đây. Trên tinh thần này, CCA đã thành lập nhà máy sản xuất điều ở nước sở tại và dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 5-2016.

Có thể nói, điều này đang gây tranh cãi ngay trong nội bộ Vinacas và cả ngành điều. Ông Phạm Văn Công, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Khoa học công nghệ Vinacas, cho rằng nguyện vọng của nhiều nhà máy chế biến là không muốn xuất khẩu máy móc, thiết bị ra khỏi Việt Nam, đặc biệt càng không chuyển giao công nghệ cho châu Phi. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, việc hợp tác nên ở cấp nhà nước giữa hai chính phủ và có sự phối hợp, phân công giữa các bên, cũng như có những giới hạn cụ thể, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, chỉ giúp đối tác hưởng lợi và sẽ giết chết ngành điều trong nước. Hợp tác là xu thế nhưng phải có lộ trình và có những giới hạn nhất định. Việc làm này không phải bảo hộ mà vì mục tiêu xã hội, vì hàng trăm ngàn lao động và để bảo đảm cho ngành điều có thể phát triển bền vững. Nhưng qua đó cũng cho thấy, ngành điều cần phải chủ động có bước chuyển mới, từ sơ chế và xuất khẩu bán thành phẩm sang chế biến tinh nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Xét cho cùng, về lâu dài các nước xuất khẩu điều thô cũng sẽ tìm mọi cách để chế biến tại chỗ và hạn chế dần tiến đến ngưng xuất thô như cách mà hơn 20 năm trước Việt Nam đã làm.

CÔNG PHIÊN- SGGPO

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu