Thứ Năm, 16/01/2025 02:45 (GMT +7)

Ngành nông nghiệp vẫn ghi kỷ lục mới dù thiên tai, dịch bệnh

Thứ 2, 28/12/2020 | 13:05:00 [GMT +7] A  A
VOV.VN – Bệnh dịch và thiên tai là những khó khăn chồng chất trong năm 2020 nhưng ngành nông nghiệp vẫn khắc phục vượt qua, toàn ngành vẫn tăng trưởng theo mục tiêu đề ra và bảo đảm an ninh lương thực trong tình hình mới.

Nỗ lực thông quan biên mậu cho hàng nông sản trong dịch bệnh

Năm 2020, bão lũ và dịch Covid-19 làm đứt gãy hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản, ngành nông nghiệp, hàng hóa nông sản xuất khẩu gặp khó khăn khi giao thương các nước bị hạn chế. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn nỗ lực duy trì công tác đàm phán, mở cửa thị trường, tạo điều kiện và tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá cao sự vào cuộc hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2020 trong việc thúc đẩy tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Việc đặc cách mời chuyên gia Nhật Bản sang trực tiếp đánh giá, kiểm tra để xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sang thị trường Nhật Bản, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, thông quan biên mậu.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng cao kỷ lục

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm vẫn đạt kỷ lục mới với 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%; thuỷ sản 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tiếp tục duy trì được 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Ngành nông nghiệp xuất siêu đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Trong dịch Covid-19, vừa đảm bảo an ninh lương thực nhưng Việt Nam cũng đẩy mạnh xuất khẩu gạo và đạt giá cao. Đặc biệt là lúa gạo Việt Nam vượt Thái Lan, Ấn Độ khẳng định chất lượng hàng đầu thế giới.

Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại chưa từng có cho ngành chăn nuôi trong gần 2 năm qua. Với những nỗ lực dập dịch, đến nay, cả nước đã có trên 96% số xã không có dịch tả lợn châu Phi. Đây là điều kiện cơ bản để người chăn nuôi, doanh nghiệp và các địa phương tổ chức tái đàn, tăng đàn.

Đến tháng 11/2020, tổng đàn lợn cả nước đã đạt trên 26 triệu con, tăng 12% so với cùng thời điểm năm 2019. Sản lượng thịt lợn hơi cả năm 2020 dự kiến đạt 3,46 triệu tấn. Giá thịt lợn từ mức cao đã được bình ổn, nguồn cung thịt lợn trong nước từng bước đáp ứng được nhu cầu.

Năm 2020, 17 dự án đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản, với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động. Các cơ sở chế biến sẽ tạo bước đột phá về xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Lâm sản và sản phẩm từ gỗ vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong năm 2020

Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng phó với những biến đổi khí hậu

Ngành nông nghiệp trong năm 2021 tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển vừa phòng, chống tốt dịch bệnh. Chỉ tiêu cơ bản là duy trì đà tăng trưởng toàn ngành từ 2,7 – 3%, đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 42 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 70%…

Để đảm bảo “mục tiêu kép” ngành nông nghiệp tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực, gắn bảo quản với chế biến và tiêu thụ. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả và an ninh lương thực quốc gia.

Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, ngành nông nghiệp cần tiếp tục khắc phục những tồn tại để phát triển bền vững và đạt được những mục tiêu đặt ra. Sản xuất hiện nay chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, tuy đã có rất nhiều kết quả nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cao, tổn thất sau thu hoạch còn lớn.

“Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp và dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để “hút” khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị; thu nhập của nông dân chỉ bằng 78% bình quân chung cả nước” – ông Nguyễn Xuân Cường nói.

Với sự vào cuộc của các địa phương, nhiều doanh nghiệp và người dân, nhưng việc tái đàn lợn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ và trang trại nhỏ còn chậm, có thời điểm cung – cầu thịt lợn mất cân đối. Tái đàn lợn ở các địa phương đảm bảo nguồn cung góp phần bình ổn giá giảm tác động đến chỉ số giá tiêu dùng cũng là việc cần làm ngay của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân cường cho biết./.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu