Thứ Hai, 20/01/2025 21:37 (GMT +7)

Ngày Liên hợp quốc 24/10: Nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới ​

Thứ 6, 23/10/2020 | 13:34:00 [GMT +7] A  A
Đã đăng vào 23/10/2020 lúc 13:34

Sự ra đời của Liên hợp quốc năm 1945 phản ánh khát vọng chung của nhân dân các nước về một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển sau những nỗi kinh hoàng của Chiến tranh thế giới thứ II. Đến nay, Liên hợp quốc đã trải qua 75 năm phát triển, trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập trên hành tinh.

Quang cảnh phiên họp toàn thể cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 kỷ niệm Ngày Quốc tế về xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, ngày 2/10/2020.

Ảnh minh họa: Hữu Thanh/TTXVN

Những nỗ lực chung vì hòa bình, an ninh và phát triển

Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, Liên hợp quốc hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban kinh tế – xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, từ giải quyết, ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị, không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tỵ nạn, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội…

Đến nay, với những thành tựu quan trọng đã đạt được, Liên hợp quốc đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng hơn.

Trong 75 năm qua, Liên hợp quốc đã góp phần ngăn chặn không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới, hỗ trợ giải quyết nhiều cuộc xung đột và tranh chấp quốc tế mà minh chứng rõ nét là Liên hợp quốc đã triển khai 71 Phái bộ gìn giữ hòa bình để giúp chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, hỗ trợ công cuộc tái thiết ở nhiều quốc gia thành viên. Liên hợp quốc đã triển khai 74 hoạt động gìn giữ hòa bình ở nhiều khu vực trên thế giới; soạn thảo và xây dựng được một hệ thống các công ước quốc tế về giải trừ quân bị…

Liên hợp quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự đồng thuận quốc tế trong những nỗ lực thúc đẩy phát triển. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ (9/2000), các nhà lãnh đạo thông qua các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ nhằm xóa bỏ đói nghèo, thúc đẩy giáo dục, bình đẳng giới, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác, bảo đảm bền vững về môi trường, tăng cường quan hệ đối tác phát triển. Với việc lãnh đạo các nước thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) vào tháng 9/2015, cộng đồng quốc tế đã đề ra một khuôn khổ hợp tác phát triển cho đến năm 2030 (thay cho các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ) có tính bao trùm và toàn diện hơn, lấy phát triển bền vững là định hướng xuyên suốt gồm ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

Thông qua các nỗ lực của Liên hợp quốc, các quốc gia đã xây dựng và ký kết nhiều điều ước quốc tế quan trọng nhằm xây dựng một thế giới an toàn hơn và công bằng hơn cho tất cả mọi người. Năm 1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền, đưa ra những quyền và tự do cơ bản của con người. Văn kiện này đã làm cơ sở cho việc ra đời hơn 80 công ước và tuyên bố quốc tế về quyền con người, trong đó Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước về quyền dân sự và chính trị. Liên hợp quốc cũng chú trọng việc bảo đảm thực hiện những quyền cơ bản này của người dân trên toàn thế giới.

Liên hợp quốc đã có những đóng góp to lớn trong việc pháp điển hóa và phát triển luật pháp quốc tế, đưa ra khuyến nghị định hướng cho các chủ đề của luật pháp quốc tế và xây dựng chuẩn mực cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, tạo khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Nhấn mạnh về những dấu mốc đáng nhớ trong hành trình 75 năm Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng, 75 năm qua có ba điểm thể hiện vai trò và thành công vô cùng lớn của Liên hợp quốc.

Thứ nhất là Liên hợp quốc đã tạo ra luật chơi chung với hơn 100 công ước và khoảng 580 điều ước quốc tế được lưu giữ và đăng ký tại Liên hợp quốc, đã tạo nên xương sống của luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế là luật chơi chung điều chỉnh hành vi của tất cả các quốc gia cũng như các tổ chức, cá nhân khi người ta tham gia vào hoạt động quốc tế.

Điều thứ hai là Liên hợp quốc rất thành công trong lĩnh vực phát triển. Ngoài việc định hướng phát triển của toàn nhân loại, nhất là sau Chiến tranh Lạnh, Liên hợp quốc đã định ra các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và giờ đây là các Mục tiêu phát triển bền vững, đó là những khung định hướng chính sách cho tất cả các nước đi theo.

Điều thứ ba là những thành tựu của Liên hợp quốc về an ninh. Liên hợp quốc đã đóng vai trò rất quan trọng để không dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba, đồng thời kiểm soát vũ khí giết người hàng loạt.

Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững

Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên hợp quốc trong hơn 40 năm qua đã góp phần bảo vệ, thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh, thuận lợi cho phát triển đất nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn Liên hợp quốc làm cở sở để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế. Hoạt động nổi bật nhất trong giai đoạn này là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế.

Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của Liên hợp quốc, được đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ Liên hợp quốc, là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của Liên hợp quốc nhằm tăng hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc ở cấp độ quốc gia.

Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc và ghi được nhiều dấu ấn Việt Nam tại các cơ quan như: tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng Kinh tế – Xã hội (ECOSOC), tích cực tham gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào nỗ lực chung của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người. Việt Nam đã tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, ngày 17/5/2018 trở thành nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước.

Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử 169 lượt sĩ quan, cán bộ tham gia Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung phi, triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan.

Gửi lời chúc mừng tới Chính phủ và người dân Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm ngày quốc khánh, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của Liên hợp quốc kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. Lực lượng quân đội Việt Nam đang tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và vai trò đầu tàu trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp Việt Nam triển khai Chương trình Phát triển bền vững 2030.

Việt Nam đã được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020 – 2021) với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu ủng hộ. Trên cương vị này, Việt Nam đã phát huy được vai trò, chủ động và tích cực tham gia đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Bảo an trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng; đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên Hội đồng Bảo an và phát huy “vai trò kép” Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN 2020.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững.

Đặc biệt trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an (tháng 1/2020), Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công Phiên họp về quan hệ hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc lần đầu tiên trong lịch sử tại Hội đồng Bảo an. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế Liên hợp quốc về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, đồng thời đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam cũng phối hợp tốt với Liên hợp quốc trong công cuộc chống đại dịch COVID-19, trong đó có đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của WHO.

Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
https://baotintuc.vn/chinh-tri/ngay-lien-hop-quoc-2410-nang-cao-vai-tro-cua-lien-hop-quoc-trong-thoi-ky-moi–20201023064823959.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu