Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 11:54 (GMT +7)
Ngày mai, phái đoàn EC sang Việt Nam xem xét về ‘thẻ vàng’ thủy sản
Thứ 2, 14/05/2018 | 15:19:00 [GMT +7] A A
Việt Nam sẽ hợp tác với phái đoàn EC trên tinh thần trách nhiệm, khách quan và minh bạch về thực hiện các khuyến nghị đối với thủy sản Việt Nam.
Sáng nay (14/5), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với Tổng Cục Thủy sản về việc tiếp đón tiếp phái đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam kiểm tra về thực hiện khuyến nghị đối với ngành thủy sản.
Theo Tổng Cục Thủy sản, phái đoàn của EC sẽ tới Việt Nam vào sáng mai 15/5. Đoàn sẽ đi một số tỉnh miền Nam để kiểm tra, sau đó làm việc với Tổng Cục Thủy sản.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản cho biết, đoàn kiểm tra của EC sẽ làm việc với Bộ NN&PTNT, một số địa phương ven biển, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản. Sau đó, phái đoàn EC sẽ làm việc với Cục Thú y, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, dự kiến từ ngày 16 – 18/5/2018, đoàn sẽ làm việc với một số tỉnh khu vực phía Nam. Từ ngày 21 – 24/5/2018, đoàn sẽ làm việc với Tổng Cục Thủy sản và Bộ NN&PTNT. Tổng Cục Thủy sản đã thành lập văn phòng IUU (về quản lý hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý ); chuẩn bị các tài liệu liên quan phục vụ cho buổi làm việc với EC; hoàn thiện cơ sở dữ liệu nghề cá gồm cảng cá, nghề cá…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau khi Luật Thủy sản được thông qua vào cuối năm 2017, Việt Nam đã triển khai ngay các chương trình hành động về đánh bắt thủy sản hợp pháp mà không chờ các văn bản dưới luật.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với Tổng Cục Thủy sản. Ảnh: V.H
Bên cạnh đó, cần rà soát lại việc áp dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin… quản lý tàu thuyền, ngư trường để tập trung phát triển trong thời gian tới. Để đảm bảo phát triển nghề cá hiện đại. Công việc này không chỉ huy động vốn nhà nước mà có thể xã hội hóa để nhiều doanh nghiệp cùng tham gia.
Theo 9 khuyến nghị mà EC đưa ra cho Việt Nam, cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng để gỡ bỏ thẻ vàng với hải sản XK gồm: Sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và khu vực áp dụng cho việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản. heo đó, Tổng Cục Thủy sản đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành những chương trình hành động cụ thể. Một mặt chuẩn bị kỹ văn bản pháp luật, mặt khác hành động ngay như: sớm hoàn thiện công bố kết quả điều tra tài nguyên, là cơ sở quan trọng trong quản lý và khai thác cá bền vững. Thứ hai là đã áp dụng các công nghệ thông tin tiên tiến, quản lý theo đúng luật cũng như thông lệ quốc tế. Phối hợp cùng các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tổ chức hướng dẫn ngư dân, chủ tàu kê khai ngư trường, chủng loại, cảng cá, thành lập văn phòng IUU, cập nhật thông tin…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp làm việc với các phái bộ, cao ủy, Chủ tịch nghề cá của Hạ viện, cao ủy nông nghiệp… của phía EC. “Chúng ta đã truyền tải thông tin, những hành động quyết liệt của toàn hệ thống. Mặt khác chúng ta cũng mở ra hướng hợp tác bền vững mới trong thời gian tới. Không chỉ ở riêng lĩnh vực này, mà còn ở các lĩnh vực khác như: trao đổi nông sản, định hướng phát triển nghề cá bền vững trên cơ sở hai bên cùng có lợi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Về việc tiếp đón đoàn cán bộ của EC tới Việt Nam đánh giá về 9 nhóm vấn đề đã được EC khuyến nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam sẽ hợp tác với EC có trách nhiệm, khách quan và minh bạch. Việt Nam không che giấu thông tin, làm đến đâu chỉ ra đến đó để minh bạch trong việc phối hợp với phía EC. Trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, hai bên sẽ thảo luận về những vấn đề Việt Nam đã làm được, đồng thời phía Việt Nam ghi nhận những vấn đề về phía EC góp ý, điều chỉnh phù hợp, đúng thực tế.
“Với kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam sẽ hành động quyết liệt, sớm xây dựng được một ngành nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững, hội nhập”, Bộ trưởng Cường khẳng định.
Về công tác quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam sẽ đánh giá lại cơ sở vật chất để phục vụ phát triển nghề cá bền vững như: bến cảng, cảng cá, khu neo đậu, thiết chế hạ tầng… để có kiến nghị với Chính phủ. Trong giai đoạn tới, ngành nghề cá cần được đầu tư bài bản, căn cơ để xây dựng nghề cá trách nhiệm, hiệu quả.
Ý kiến ()