Tất cả chuyên mục

Những năm gần đây, tận dụng nguồn lục bình sẵn có trên kênh, rạch tại địa phương, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Tân Hưng đã có thêm thu nhập khá với công việc cắt, phơi lục bình và bán cho thương lái.
Ông Bùi Văn Kiêm, ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại cho biết: Gia đình ông không có ruộng đất, các con đã lập gia đình và ra ở riêng, chỉ còn lại hai vợ chồng già sống nương tựa vào nhau. Do không còn sức khỏe để lao động nên nhiều năm nay, hai vợ chồng ông chọn nghề cắt lục bình để kiếm sống và trang trải cuộc sống gia đình.
Nghề cắt lục bình vừa mang lại thu nhập, vừa góp phần lưu thông dòng chảy
Mỗi ngày, vợ chồng ông tranh thủ thức dậy từ sáng sớm để đi cắt lục bình. Trên chiếc xuồng ba lá nhỏ, hai vợ chồng già rong ruổi bơi dọc theo con kênh phía trước nhà để vớt từng cây lục bình, chặt bỏ lá và rễ, gom thành từng bó mang về phơi khô và bán cho thương lái. Thông thường 15 kg lục bình tươi sẽ cho 1 kg lục bình khô và được bán với giá trung bình 10 ngàn đồng/kg. Còn ở thời điểm hiện tại, giá một kg lục bình khô dao động từ 12 ngàn – 14 ngàn đồng/kg. Công việc này khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều sức lực, do đó rất phù hợp với phụ nữ hay những người lớn tuổi.
Công việc cắt lục bình phù hợp với người cao tuổi, nhàn rỗi
Đây là công việc có thể làm quanh năm do lục bình sinh sôi, nảy nở rất nhanh và nguồn thu nhập cũng khá ổn định. Trung bình mỗi tháng vợ chồng ông Kiêm thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng từ công việc này, nguồn thu nhập không quá cao nhưng cũng đủ để hai vợ chồng già trang trải cuộc sống hàng ngày.
Không chỉ gia đình ông Kiêm chọn nghề cắt lục bình làm công việc kiếm sống quanh năm mà nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Tân Hưng cũng đã tận dụng thời gian nhàn rỗi sau khi thu hoạch lúa để đi cắt lục bình nhằm kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Đồng thời, góp phần tiêu diệt lục bình, làm cản trở dòng chảy, phương tiện lưu thông đường thủy trên địa bàn huyện hiện nay.
Văn Sách-Trúc Quyên
Ý kiến ()