Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 22:24 (GMT +7)
“NGHỆ SĨ VÀ TRI ÂM” - Tìm về nguồn cội trăm năm của Cải lương
Thứ 4, 08/11/2023 | 11:48:14 [GMT +7] A A
Với mong muốn đưa người mộ điệu tìm về nguồn cội trăm năm - một quá trình hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương đặc sắc, chương trình “Nghệ sĩ và Tri âm” đã phần nào tái hiện lại trong số phát sóng trực tiếp lần thứ 172 với chủ đề “TÌM VỀ NGUỒN CỘI TRĂM NĂM”, do Đài PT&TH Long An thực hiện.
Chương trình có sự tham gia của NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết cùng các NSƯT: Trọng Phúc, Vũ Luân, Hồ Ngọc Trinh, Minh Minh Tâm, Ngọc Đợi, Vân Khánh, Trinh Trinh; các nghệ sĩ Kim Luận, Võ Hoàng Dư, Mỹ Tiên, Thu Mỹ, Phú Yên, Mộng Cầm; ca sĩ Tống Hạo Nhiên cùng Vũ đoàn Bạch Dương... cùng sự góp mặt của các nghệ sỹ Bảo Châu, Minh Không, Hoàng Tuấn, Thanh Bình... trong các trích đoạn hát bội đậm chất cổ truyền...
Theo như tư liệu ghi chép lại thì nghệ thuật cải lương ra đời vào khoảng thời gian năm 1918, cải lương mang đến công chúng tiếng nói từ trái tim của những người dân Việt Nam luôn thấm đẫm tinh thần yêu nước, luôn có ý thức gìn giữ những di sản văn hóa quý báu của ông cha. Theo Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đức nghệ nhơn tiền phong nhạc Lễ, nhạc Tài tử Nguyễn Quang Đại”, nhạc sư Nguyễn Quang Đại từ quan để hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp (khoảng năm 1885), và vào Nam dạy nhạc Lễ, nhạc Tài tử. Nhạc sư đã chọn mãnh đất Cần Đước tỉnh Long An là nơi ông sinh sống, truyền dạy nhạc Lễ và nhạc tài tử Nam Bộ, nhạc sư Nguyễn Quang Đại đã cùng các học trò cải biên và định hình 20 bài bản tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử. Từ đây, ca ra bộ được phát triển và hình thành sân khấu cải lương.
Với tiết mục mở đầu hoành tráng mang tên “Tình say khúc tri âm” một sáng tác của tác giả Đăng Ninh do NSUT Vân Khánh cùng với phần minh họa của vũ đoàn Bạch Dương thể hiện. Chương trình đã đưa quý vị khán giả trở về với những cung bậc bổng trầm, những hỉ nộ ái ố, và các yếu tố đặc trưng của loại hình nghệ thuật sân khấu Cải lương… Hơn 100 năm qua, cùng bao thăng trầm và thay đổi, nghệ thuật cải lương cũng chuyển biến theo từng giai đoạn cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và phát triển của dân tộc Việt Nam.
Từ dòng nhạc chỉ có trong cung đình đến những sự hòa hợp cùng những cung bậc. Những điệu nhạc, lời ca, dễ học, dễ nhớ, cùng những hình ảnh thân quen, gần gũi với cuộc sống… không chỉ trở thành món ăn tinh thần đa dạng về phong vị, mà còn là lời động viên, tiếp sức cho người dân thêm mạnh mẽ, bền chí vượt qua bao trắc trở, thử thách, gian lao của thời loạn lạc. Tiết mục thứ hai của chương trình đã đưa khán giả trở về với những cột mốc tiêu biểu của sự hình thành nên sân khấu cải lương. Đó chính là bản “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Hơn trăm năm qua, mỗi khi “Dạ cổ hoài lang” được vang lên thì mỗi người ca cũng như người thưởng thức như được tìm thấy một phần số phận của mình trong đó.
Sau sự phát triển khắp nơi của đờn ca tài tử và phong trào ca ra bộ thì đến năm 1920 sau khi gánh Thầy André Thận tan rã, ông Châu Văn Tú người ta thường gọi là thầy Năm Tú ở Mỹ Tho rước nghệ nhân và sang nhượng tranh cảnh đưa về tỉnh nhà rồi lập ra gánh hát chuyên nghiệp. Từ những bài liên ca hòan chỉnh như : “Bùi Kiệm mê sắc Nguyệt Nga” có ba vai Bùi Kiệm, Bùi Ông và Kiều Nguyệt Nga, “Kim Kiều hạnh ngộ” có hai vai Kim Trọng, Thúy Kiều được các nghệ nhân biểu diễn trong các buổi ca ra bộ.
Đến khi được thầy Năm Tú mở lời soạn tuồng thì ông Trần Duy Toản đã liên kết các bài liên ca "Kim Kiều hạnh ngộ", "Viên ngoại hàm oan", "Kiều mộng Đạm Tiên", "Từ Hải", ông soạn lại vở Kim Vân Kiều. Và đây là vở cải lương đầu tiên được trình diễn năm 1920, đánh dấu cột mốc hình thành của sân khấu cải lương. NSƯT Hồ Ngọc Trinh – Kim Luận đã biểu diễn trích đoạn “Kim Vân Kiều” của tác giả Quy Sắc - Mộc Linh.
Nghệ thuật Tuồng hay còn gọi là Hát Bộ, Hát Bội, Tuồng ra đời sớm hơn cải lương, trong quá trình phát triển đã tiếp nhận nhiều hình thức biểu diễn và hóa trang của Hí kịch. Lối hát tuồng du nhập vào Việt Nam một hình thức biểu diễn đặc trưng vũ đạo, kết hợp với ngôn ngữ hình thể, nội dung nghệ thuật tuồng ca ngợi tính nhân văn của dân tộc, cốt cách anh hùng phi thường, lòng trung nghĩa sắc son và sự hy sinh cao cả. Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền khác thời kỳ hội nhập, nghệ thuật tuồng (Hát bội) khác với cải lương Hồ Quảng, hai câu thơ trên sân khấu cải lương Cải cách hát ca theo tiến bộ; Lương truyền tuồng tích sánh văn minh; như nhắc nhớ luôn tự đổi mới và học hỏi những tinh hoa của các nền nghệ thuật khác để cải cách thành của chính mình.
Nên cuối thập niên 1940 sang đầu thập niên 1950 của thế kỷ 20 những nghệ sĩ như Phùng Há, Cao Long Ngà, Năm Phỉ có dịp sang Quảng Ðông học hỏi “vũ đạo” của các nghệ sĩ tuồng kịch truyền thống. Đến khi về nước, các nghệ sĩ đã đem áp dụng “vũ đạo” này trên sân khấu của mình. Với mong muốn phát triển và phối hợp giữa ba nghệ thuật: cải lương, tuồng kịch Bắc Kinh và tuồng kịch Quảng Ðông được gọi là Cải lương Hồ Quảng. Chương trình đã tái hiện với 2 trích đoạn “San Hậu” và “ Lưu Kim Đính” và nhận được nhiều tràng vỗ tay của khán giả.
Hơn 100 trăm năm sân khấu cải lương, cùng tiến trình 400 trăm năm mở đất Nam bộ, nhiều thế hệ đóng góp cho quá trình xây dựng bản sắc văn hóa, khẳng định giá trị văn hóa đặc thù dân tộc. Đóng góp to lớn cho cải lương thuở sơ khai có đội ngũ soạn giả nỗi tiếng như : Cao Văn Lầu, Trần Hữu Trang, Năm Châu, Duy Lân, Hà Triều - Hoa Phượng, Kiên Giang, Viễn Châu... trong đó Soạn giả NSND Viễn Châu, là người viết trên 50 vở cải lương, hơn 2.000 bài vọng cổ, người có đóng góp lớn cho sự định hình bản vọng cổ nhịp 32, ông nghĩ đến việc nối kết giữa tác phẩm âm nhạc và bài vọng cổ, ông cho ra đời bài “tân cổ giao duyên”., và là người duy nhất thành công ở lĩnh vực viết vọng cổ hài từ khởi sự bản vọng cổ đến nay. Các bài tân cổ - vọng cổ như : “Tình anh bán chiếu, Ông lão chèo đò, Trúc Lan Phương tử, Sầu vương ý nhạc, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Tần Quỳnh khóc bạn, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Pháp sư giải nghệ, Cô gái bán sầu riêng, Mưa rừng, Đau xót lý con cua, Mưa trên phố Huế...” đóng góp cho thành công sân khấu và được công chúng đón nhận.
Mỗi một loại hình nghệ thuật đều có một ngôn ngữ riêng để thể hiện, sân khấu cải lương có tính tự sự trữ tình, có cái bi, cái hài và có cả chất anh hùng ca và mỗi tác phẩm đều là tấm gương phản ánh cuộc sống thực tại bằng các điển tích khác nhau, lấy nay nói nay hoặc lấy xưa để nói hiện thực. Mỗi chặng đường tồn tại không chỉ thể hiện đặc điểm nghệ thuật, mà còn phản ánh sinh động bối cảnh xã hội với những tác động trực tiếp đến sân khấu biểu diễn. Cho đến hôm nay dấu ấn sâu sắc trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, tầm ảnh hưởng của các Nghệ sĩ gạo cội cống hiến, góp phần lan tỏa ra khắp cả nước và nước ngoài, phát triển nghệ thuật cải lương phải kể đến NSND-TS Bạch Tuyết, được khán giả ngưỡng mộ và phong “ Cải Lương Chi Bảo”, đã trở thành biểu tượng, một trong những gương mặt đại diện của nghệ thuật truyền thống cải lương.
Các vở cải lương tâm lý xã hội lần lượt ra đời, những số phận con người trong thời cuộc qua từng thời kỳ của đất nước… là lời tuyên ngôn bằng nghệ thuật, là bản án tố cáo chế độ thực dân nửa phong kiến mục ruỗng… được thể hiện đầy sinh động trên sân khấu và trở thành những kiệt tác như Đời cô Lựu, Tuyệt tình Ca, Nữa đời Hương Phấn, Mưa Rừng, ….. Cho đến bây giờ, vở Đời cô Lựu đã để lại một “tượng đài” nghệ thuật với vai cô Lựu đau khổ khi mất chồng, mất con, bị cưỡng hôn, và sống cuộc đời tù túng. NSND - TS Bạch Tuyết đã trở thành những hoài niệm khó quên trong lòng khán giả. Khán giả đã dành cho “cô Lựu” Bạch Tuyết những tràng vỗ tay không dứt.
Trãi qua chặng đường lịch sử hơn 100 năm lắm nỗi thăng trầm nhưng Cải lương vẫn mãi đi cùng năm tháng, khẳng định sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật đặc trưng miền đất phương Nam. Qua 10 tiết mục của chương trình đã phần nào nhắc nhớ với người mộ điệu về quá trình hình thành nên món ăn tinh thần đã sống với dân tộc Việt Nam hơn trăm năm qua. Chương trình không chỉ đem đến những món ăn tinh thần phục vụ khán giả mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam
Chương trình “Nghệ sĩ và Tri âm” do Đài PT&TH Long An thực hiện, đã ra đời gần 15 năm qua. Qua nhiều lần đổi mới đến nay chương trình được thực hiện định kỳ 1 quí 1 lần và được truyền hình trực tiếp trên kênh LA34, phát thanh trực tiếp trên sóng FM - 96.9MhZ; Livestream trên trang Youtube - Fanpage Long An TV - Đài PT và TH Long An.
Thực hiện: Diễm Trang - Thùy Dương
Ý kiến ()