Chủ Nhật, 19/01/2025 22:15 (GMT +7)

Nghị quyết 19: Quy trách nhiệm cho người đứng đầu

Thứ 2, 03/04/2017 | 11:08:00 [GMT +7] A  A

Năm 2017, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 19 về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kế thừa những thành tựu của các nghị quyết trước đó, đồng thời đề ra các giải pháp tháo gỡ những thách thức còn tồn tại trong quá trình thực hiện.

Là người chắp bút cho cả bốn dự thảo Nghị quyết 19 qua các năm, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có buổi trao đổi với phóng viên TTXVN xung quanh việc xây dựng các nội dung của Nghị quyết này.

Sau 3 năm triển khai quyết liệt Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, những thành tựu lớn nhất mà Việt Nam đã đạt được là gì, thưa bà ?

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 vào năm 2014, trong khoảng thời gian 3 năm thực hiện, Việt Nam đã dần tiếp cận gần hơn với các thông lệ quốc tế và được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Điều này thể hiện rõ nét tại Báo cáo kết quả môi trường kinh doanh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) trong năm 2016, khi thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện đến 9 bậc so với năm trước đó. Đáng chú ý hơn, 5 trên 10 chỉ số của Việt Nam tăng bậc và hầu hết các chỉ số đều tăng điểm. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện rõ rệt. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bokwang Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy). Ảnh: Hoàng Hùng /TTXVN

Thưa bà, so với các năm trước, đâu là những điểm nhấn khác biệt cơ bản nhất mà Nghị quyết 19 – 2017 đề cập tới?

Nghị quyết 19 – 2017 được thực hiện sớm hơn so với 3 Nghị quyết trước. Ngay sau cuộc họp Chính phủ cuối năm 2016, chúng tôi thấy rằng cần xây dựng một nghị quyết mới chi tiết hơn so với 3 Nghị quyết trước đây. Nhóm soạn thảo đã lập tức bắt tay vào công tác soạn thảo Nghị quyết 19 với tôn chỉ đưa những điểm mới, tạo sự thay đổi mạnh mẽ đối với môi trường kinh doanh trong nước, hướng tới cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Trên cơ sở dự thảo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 – 2017 vào ngày 6/2/2017.

Nghị quyết lần này bao gồm 250 chỉ tiêu cụ thể với nhiều điểm mới khác biệt so với các Nghị quyết trước. Điều đó cho thấy Việt Nam đã nới phạm vi rộng hơn và cũng nhiều thách thức hơn.
Có thể thấy trong 3 năm vừa qua, Nghị quyết 19 tập trung chủ yếu vào 10 chỉ tiêu của môi trường kinh doanh. Do vậy, dường như chúng ta mới chỉ tập trung vào các đầu việc chính trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Sang năm 2017, trong bối cảnh năng lực cạnh tranh đang giảm sút, năng lực đổi mới sáng tạo đang kém đi, đặc biệt là khi Việt Nam đang theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vì thế Chính phủ thấy rằng cần phải đưa thêm các yếu tố của năng lực cạnh tranh và năng lực sáng tạo vào trong Nghị quyết như là một yếu tố cần cải thiện.
Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm từ việc thực thi Nghị quyết 19 trong các năm qua, chúng tôi thấy rằng không thể thiếu được việc ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng Chính phủ điện tử, bởi đó là một cách thức hữu hiệu nhất giúp Việt Nam thay đổi cách thức quản lý của Nhà nước. Vì vậy, trong dự thảo Nghị quyết 19 năm nay, ban soạn thảo đã bổ sung những chỉ tiêu liên quan tới Chính phủ điện tử.
Vậy mục tiêu của Nghị quyết 19 lần này là gì và dường như các đầu việc của Nghị quyết 19 năm nay phải chăng rất dài ?
Với Nghị quyết 19 – 2017, Chính phủ đặt ra mục tiêu dài hơn cho tới năm 2020. Riêng đối với năm 2017, chúng ta chỉ xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là những chỉ tiêu liên quan tới môi trường kinh doanh và những yếu tố về hiệu quả của thị trường. Những yếu tố khác của năng lực cạnh tranh hay đổi mới sáng tạo chúng ta kỳ vọng sẽ đạt kết quả vào thời gian dài hạn hơn, đó là đến năm 2020.
Vì vậy, nếu nói rằng 250 chỉ tiêu là quá tham vọng hay không đối với nền kinh tế Việt Nam, theo tôi nghĩ đó hoàn toàn không phải là những chỉ tiêu quá tham vọng. Tôi tin rằng nếu các bộ, ngành, địa phương cùng có quyết tâm thì không khó để đạt được những mục tiêu này.
Với Nghị quyết 19 – 2017, các doanh nghiệp kỳ vọng được gỡ những vướng mắc gì, cũng như được hưởng những lợi ích cụ thể gì, thưa bà?
Nghị quyết 19 – 2017 quy trách nhiệm cụ thể cho từng người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Rõ ràng nếu sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, cũng như có sự chỉ đạo chính trị kiên quyết từ phía lãnh đạo Chính phủ thì chắc chắn những cải cách sẽ được thực hiện và nó gắn sát với nhu cầu thực tiễn cũng như tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân.
Điều này có thể thấy rõ, khi chúng ta cắt giảm được một thủ tục hành chính, doanh nghiệp sẽ giảm được thời gian và chi phí. Đó chính là cơ hội cho doanh nghiệp tạo ra cơ hội kinh doanh và lợi nhuận mới, giúp tăng cường việc làm và cải thiện đời sống của người dân.
Liệu đã có những chế tài mạnh mẽ để thúc đẩy sự tham gia và vào cuộc từ phía các nhà quản lý và cơ quan thực thi từ chính quyền Trung ương đến địa phương chưa, thưa bà ?
Nghị quyết 19 đòi hỏi các cơ quan quản lý cần phải thay đổi cách thức quản lý, nâng cao năng lực thực thi hơn nữa trong công tác với doanh nghiệp. Tôi phải thừa nhận đến nay Việt Nam chưa có một chế tài đủ mạnh và chi tiết để các cán bộ bắt buộc phải thực thi những điểm mới theo các văn bản ban hành. Do vậy, để Nghị quyết 19 thành công và đi vào cuộc sống, theo tôi, cần có sự vào cuộc từ phía những người đứng đầu các cơ quan quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương.

Xin cám ơn bà!

Diệu Linh Thực hiện

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu