Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 28/01/2025 02:10 (GMT +7)
“Nghĩa trang” phương danh 64 liệt sĩ Gạc Ma tại chùa Sinh Tồn
Thứ 6, 15/03/2019 | 10:10:00 [GMT +7] A A
VOV.VN -Trong cuộc chiến bảo vệ bãi đá Gạc Ma ngày 14/3/1988 ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh.
Nơi an nghỉ “vĩnh hằng” của các anh đều không có phần mộ như trên đất liền. Mộ của các anh là những ngọn sóng bạc đầu, là nhành san hô trong lòng biển cả và mãi mãi trong lòng dân tộc.
Từ năm 2013 đến nay, tấm bia phương danh được đặt tại chùa Sinh Tồn như một “nghĩa trang” để quân dân trên đảo và đoàn công tác trong đất liền ra thăm đảo thắp hương tưởng nhớ, tri ân những người con đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tấm bia phương danh được đặt tại chùa Sinh Tồn như một “nghĩa trang” để quân dân trên đảo và đoàn công tác trong đất liền ra thăm đảo thắp hương tưởng nhớ.
Giữa sóng gió trùng khơi, chùa Sinh Tồn cổ kính, thanh tịnh và bình yên nằm kề bên bờ sóng. Ngôi chùa không chỉ là một kiến trúc văn hóa mà còn là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để người dân ngưỡng vọng, thờ phụng đức Phật. Chùa Sinh Tồn cũng là nơi đặt tấm bia phương danh 64 liệt sĩ hy sinh trong sự kiện bảo vệ bãi đá Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Đại đức Thích Minh Huy, trụ trì chùa Sinh tồn cho biết, trước đây, mỗi khi đến ngày giỗ 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma, cán bộ chiến sĩ và nhân dân đảo Sinh Tồn và các đảo ở Trường Sa đều lên chùa thắp hương, khấn vọng hương linh của những cán bộ, chiến sỹ Hải quân ưu tú đã ngã xuống bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Với lòng thành kính và tri ân sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam, Đại đức Thích Minh Huy đã đặt tấm bia từ đất liền mang ra đảo.
Tấm bia được khắc tên cùng đầy đủ thông tin của 64 liệt sĩ và được khánh thành vào ngày 27/7/2013. Từ đó đến nay, cứ đến ngày 14/3, bà con và cán bộ chiến sĩ trên đảo thường làm cơm chay, bày hương hoa tại bia phương danh để cầu siêu cho linh hồn 64 liệt sĩ.
Với mỗi người dân đất Việt, khi đến chùa Sinh Tồn, đứng trước bia phương danh, tận mắt đọc tên tuổi và quê quán của 64 liệt sĩ Gạc Ma sẽ hiểu rõ hơn về sự hy sinh cao cả của những người con đất mẹ. Các anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ với những ước mơ còn dang dở.
Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ – Thuyền trưởng Tàu HQ 604, trước sự tấn công của kẻ thù, các anh vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Anh hùng liệt sỹ Thiếu uý Trần Văn Phương – Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh anh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm…
Thiếu tá Lương Khánh Thiện, Chính trị viên phó đảo Sinh Tồn chia sẻ, bia tưởng niệm 64 liệt sĩ là nơi cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo đến thắp hương, tưởng nhớ chiến công bất khuất của các anh hùng đã hy sinh để bảo vệ bãi đá Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma.
Sự hy sinh của các anh đã, đang và sẽ góp thêm sức lực, tinh thần cho các chiến sĩ ở Trường Sa vững vàng tay súng, củng cố thêm lòng quyết tâm, ý chí bền bỉ, kiên cường cho quân và dân trên đảo tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Chúng tôi luôn giáo dục cho mọi cán bộ chiến sĩ tiếp nối truyền thống của cha anh, mài sắc ý chí quyết tâm, sẵn sàng và chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” – Thiếu tá Lương Khánh Thiện nhấn mạnh.
Bia phương danh 64 liệt sĩ trên đảo Sinh Tồn.
Theo anh Trần Văn Hòa, người dân đảo Sinh Tồn, bia phương danh giống như một “nghĩa trang” – nơi yên nghỉ của 64 liệt sĩ Gạc Ma được dựng lên ở chùa Sinh Tồn mang ý nghĩa hết sức lớn lao, thể hiện sự biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh của các cán bộ chiến sĩ Hải quân.
Ngoài ngày giỗ thì những ngày rằm, mồng 1 hàng tháng và ngày lễ, Tết, bà con trên đảo đều đến thắp hương và mong các anh – những người con đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho chủ quyền biển đảo được ngủ yên trong lòng biển cả, phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng và phù hộ độ trì cho quân dân trên đảo bình an.
Cuộc chiến rạng sáng ngày 14/3/1988 ở Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã mãi mãi nằm lại biển khơi, nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Máu của các anh đã hòa cùng biển sâu, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.
Gạc Ma là bãi đá ngầm có vị trí xung yếu nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngày 14/3/1988, các lực lượng tàu chiến hùng hậu có trang bị vũ khí hiện đại Trung Quốc đã ngang nhiên, bất chấp công lý và lẽ phải, bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số bãi đá ngầm ở Trường Sa.
Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng Hải quân là cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh, nhưng đã mưu trí sáng tạo, anh dũng chủ động, kiềm chế đến mức tối đa thực hiện nghiêm đối sách, bình tĩnh khôn khéo trong xử lý các tình huống để giữ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các Tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Vùng 2; của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146, Vùng 4; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân.
Dù biết rằng có thể sẽ hy sinh, nhưng các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng./.
Theo Thu Lan/VOV1
Ý kiến ()