Thứ Sáu, 24/01/2025 15:27 (GMT +7)

Ngoại tệ diễn biến căng thẳng, tỷ giá USD tự do vọt lên mức kỷ lục

Thứ 5, 16/08/2018 | 09:28:00 [GMT +7] A  A

Thị trường ngoại tệ trong nước vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng khi giá bán USD tự do chiều 15/8 đạt đỉnh 23.600 đồng, tỷ giá trung tâm tiếp tục giữ ở mức cao.

Giá USD trên thị trường tự do hôm nay tiếp tục tăng thêm 30- 70 đồng/USD, giao dịch ở mức 23.590-23.600 đồng/USD, trong đó giá mua có mức tăng khá mạnh so với giá bán. Điểm lạ là mức chênh lệch giữa giá bán và mua chỉ tăng có 10 đồng/USD.

Lo sức ép tỉ giá lên hàng hóa. Ảnh: Tin tức/TTXVN.

Trước đó 1 ngày, tỷ giá USD trên thị trường giao dịch ở mức 23.520 – 23.570 đồngUSD; tăng 20 đồng giá mua và 40 đồng giá bán so với cuối phiên giao dịch hôm trước, mức này đã được xem là kỷ lục. Mức chênh lệch giữa giá bán và giá mua đã được nới rộng lên 50 đồng/USD, trong khi tại các phiên trước mức chênh lệch này vào khoảng 20 – 30 đồng/USD.

Trong sáng nay, một số ít ngân hàng điều chỉnh giá USD với biên độ nhỏ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm nhẹ tỷ giá trung tâm 1 đồng xuống mức 22.685 đồng/USD. Với biên độ /-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 23.366 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.004 đồng/USD. Còn tại Sở Giao dịch NHNN, giá USD tiếp tục duy trì mua vào ở mức 22.700 đồng/USD trong khi giá bán ra được niêm yết thấp hơn mức giá trần 50 đồng, ở mức 23.316 đồng/USD.

Cập nhật tại những ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn cho thấy: một số ít ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ giá USD từ 5-10 đồng ở mỗi chiều mua – bán. Giá mua thấp nhất ở mức 23.250 đồng/USD, giá mua cao nhất là 23.280 đồng/USD. Trong khi đó bán ra, với mức giá thấp nhất là 23.345 đồng/USD, USD bán cao nhất ở mức 23.364 đồng/USD.

Tới phiên chiều 15/8, giá USD tại các ngân hàng thương mại ổn định ở mức sát trần là 23.365 đồng/USD nên trong ngày giá không có nhiều thay đổi. Tại ngân hàng Viecombank, Eximbank, giá mua USD giao dịch ở mức 23.250 – 23.270 đồng/USD, còn bán ra ở mức 23.350 đồng/USD.

Trong khi đó giá các ngoại tệ khác lại giảm giá khá mạnh. Tại Eximbank, bảng Anh giảm 145 đồng, còn 29.389 – 29.782 đồng/bảng; euro giảm 120 đồng, còn 26.217 – 26.567 đồng/euro; đôla New Zealand giảm 68 đồng, còn 15.137 – 15.385 đồng.

Trong bối cảnh tỷ giá được nhận định sẽ tiếp tục biến động, các doanh nghiệp sẽ chịu không ít tác động từ những diễn biến này. Trong kế hoạch kinh doanh nửa cuối năm và xa hơn là năm 2019, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp sẽ phải tính toán kỹ các biến động tỷ giá và có kịch bản ứng phó chủ động.

Theo ông Phạm Thế Anh, Nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân, căng thẳng thương mại và rủi ro “chiến tranh” tiền tệ sẽ ở mức cao. Xu hướng bảo hộ thương mại và bất ổn chính sách gia tăng khiến các nước đang phát triển có nguy cơ rơi vào vòng xoáy phá giá tiền tệ. Thực tế gần đây cho thấy, đồng tiền của các nước Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil…đều mất giá khá mạnh từ 10 – 30%.

Tỷ giá từ đầu tuần (ngày 13/8) đã được thiết lập mặt bằng mới khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm ở mức 22.686 đồng, tăng 10 đồng so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Với biên độ /-3% theo quy định hiện hành, tỷ giá trần cho các ngân hàng thương mại là 23.366 đồng và tỷ giá sàn ở mức 22.005 đồng – các mức cao kỷ lục mới của tỷ giá trong nước. Vì vậy các ngân hàng thương mại đều tăng giá USD mua vào bán ra.

“Một trong những khả năng là NHNN sẽ cho phép tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt hơn nhằm giảm bớt áp lực giữa VND với USD và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Trong những ngày qua, tỷ giá trong hệ thống ngân hàng và thị trường tự do có lúc giảm sâu nhưng có lúc lại tăng ở mức kịch trần biên độ thì là điều không quá lo ngại. Đây là điều bình thường vì thị trường có tâm lý kỳ vọng và yếu tố này thường tác động đáng kể lên tỷ giá. Trong bối cảnh này, nếu tỷ giá được điều chỉnh ở mức 2-3% là chấp nhận được, trừ những biến cố lớn trên thị trường”, TS Cấn Văn Lực nói.

Theo Minh Phương/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu