Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 16:09 (GMT +7)
Người chăn nuôi Đồng Nai đem thịt lợn đi bán rong
Thứ 2, 22/05/2017 | 10:18:00 [GMT +7] A A
Dù các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc giải cứu thịt lợn cho người chăn nuôi nhưng lượng lợn tồn trong tỉnh vẫn còn nhiều, người chăn nuôi buộc phải tự tìm cách giải cứu chính mình.
Người dân mua thịt lợn tại các cửa hàng thịt sạch, bình ổn giá ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để ủng hộ người chăn nuôi. |
Để giải quyết những khó khăn trước mắt, không dừng lại ở việc tự mổ bán thịt lợn ở chợ, ngay tại nơi cư trú mà người chăn nuôi đã bắt đầu đẩy xe thịt đi bán rong trên đường. Đây là tình cảnh chung của hầu hết những người chăn nuôi lợn tại Đồng Nai, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Không còn lựa chọn nào khác, buộc họ phải mổ thịt từng con lợn để “cứu” lấy đàn lợn còn lại trong chuồng. Bà Đào Thị Hon (người chăn nuôi tại xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) cho biết, hiện tại số lợn còn lại trong chuồng của gia đình đang phải nằm dài chờ chết. Số lợn đã đến tuổi xuất bán, nhưng không thể bán được.
Gọi thương lái đến nhưng họ không mua, hoặc bị ép xuống giá quá thấp so với giá thị trường (18.000 đồng/kg lợn hơi). Không bán được lợn, gia đình cũng hết tiền mua cám nên buộc phải mổ từng con lợn bán thịt để lấy tiền mua cám cho số lợn còn lại ăn. Thời gian đầu, cũng mở bàn bán thịt tại chợ hoặc ở các ngã ba. Tuy vậy, do không bán được nên gia đình buộc phải đẩy xe thịt đi bán rong, kiếm tiền mua cám để duy trì đàn lợn.
Theo bà Đào Thị Hon, dịp này giá lợn xuống thấp trong thời gian dài, thiệt hại nặng nề nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các trang trại, công ty chăn nuôi lớn cũng bị thiệt hại nhưng họ có vốn đầu tư làm ăn, thua lứa này có thể gây lứa khác để kéo lại. Còn đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như gia đình bà, bao nhiêu vốn liếng dồn hết vào đàn lợn, giờ lợn xuống giá, gia đình không biết lấy gì để sống.
“Kinh tế gia đình chủ yếu nhìn vào mấy con lợn, giờ thua lỗ, nhà cửa, trại lợn đem cầm cố hết cho ngân hàng, những người chăn nuôi như chúng tôi trắng tay, ôm cục nợ lớn không biết khi nào mới trả được”, bà Hon cho hay.
Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Hon, ông Phan Văn Sơn (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) cho biết, sau khi các nghành chức năng của Đồng Nai vào cuộc, mở các cửa hàng bình ổn giá bán thịt lợn, kích thích thị trường tiêu thụ, hỗ trợ người chăn nuôi đã khiến giá lợn hơi tăng lên.
Tuy nhiên, giá chỉ tăng được một thời gian, hơn một tuần trở lại đây giá lợn hơi lại giảm do phía các công ty chăn nuôi của nước ngoài “ồ ạt” bán lợn ra thị trường với giá rẻ.
“Chúng tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, lợn không được đồng đều, số lượng ít nên thường bị thương lái chê, không bắt lợn. Thêm vào đó hiện nay các công ty nước ngoài lại mở chuồng bán ồ ạt khiến cho lợn của chúng tôi càng khó bán. Do vậy, buộc chúng tôi phải mổ bán thịt từng con kiếm được đồng nào hay đồng ấy”, ông Sơn cho biết.
Lý giải cho tình trạng này, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, gần đây việc các công ty FDI ồ ạt bán lợn ra thị trường đã làm giá lợn hơi không thể tăng lên. Lợn của những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường ít, xấu mã nên bị thương lái chê, không bán được.Do vậy tình trạng người chăn nuôi tự mang thịt lợn của mình đi bán rong là biện pháp “cực chẳng đã” để cứu lấy chính đàn lợn của mình, lấy ngắn nuôi dài, cầm cự được ngày nào hay ngày đó.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, việc người chăn nuôi đem thịt đi bán rong cũng là một việc làm tốt, giúp giải quyết những khó khăn trước mắt. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các lò mổ lợn lậu, các vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng tình trạng này để làm điều xấu.
Theo Ban Chỉ đạo Hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 280.000 con lợn đến kỳ xuất chuồng, trong đó gần 70% là lợn của các công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài, với lượng tồn khoảng 190.000 con.
Ý kiến ()