Tất cả chuyên mục

Nghề nuôi heo hiện nay như “đánh bạc” mà người nuôi không cầm chắc phần thắng, đó là lý do mà mặc dù giá heo hơi đang ở mức cao nhưng đa số người dân vẫn chưa dám mạnh tay trong việc tái đàn.
Trước đây, gia trại của ông Trương Văn Tài xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa có đến gần 400 con heo, cả heo nái và heo thịt. Nhưng tất cả chúng đã bị tiêu hủy vì nhiễm dịch tả heo Châu Phi khiến ông thiệt hại gần 1,2 tỷ đồng. Ông Tài gắn bó với nghề chăn nuôi heo suốt 15 năm qua và chưa một lần gián đoạn, thế nhưng một năm nay, ông bất lực nhìn chuồng trại bỏ hoang mà không dám tái đàn. Ông Tài cho biết ‘cái tôi lo nhất là dịch bệnh heo Châu Phi sẽ tái phát, trong khi hiện tại chưa có vắc xin điều trị.
Gần một năm nay, chuồng trại ông Tài bị bỏ hoang
Một nguyên nhân nữa là do hiện tại nguồn cung khan hiếm nên giá heo giống tăng quá cao, giá thức ăn cũng leo thang khiến chi phí tái đàn đội lên gấp đôi so với trước đây. Trong khi đó, người dân lại vừa mới thua lỗ vì dịch bệnh nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gần như không đủ sức ‘gượng dậy’ để tái đàn.
Bà Lê Thị Thanh Thảo – Phó Trưởng phòng nông nghiệp huyện Đức Hòa thông tin: Ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích người dân tái đàn, rồi tổ chức tập huấn chăn nuôi an toàn sinh học nhưng người dân không dám tái đàn. Nguyên nhân thứ nhất là do con giống giá quá cao, người không có vốn để sản xuất tiếp; thứ hai nữa là con giống có chứng nhận thì giá con, còn nếu mua con giống trôi nổi ở ngoài thì không đảm bảo về nguồn gốc và dịch bệnh.
Người chăn nuôi heo chưa dám mạo hiểm tái đàn
Trong điều kiện chưa có vắc xin phòng dịch tả heo Châu Phi như hiện tại thì chỉ có chăn nuôi an toàn sinh học mới là ‘lá chắn’ tốt nhất để phòng bệnh. Hay nói cách khác thì chỉ có các trang trại, gia trại lớn mới có đủ nguồn lực đổi mới chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để tái đàn. Theo đó, ông Trương Văn Tài cũng đang dự tính sẽ gầy lại đàn heo nhưng cũng khá dè dặt đi từng bước một để tránh rủi ro. Đồng thời, ông cũng sẽ đầu tư chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống chuồng trại theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo chăn nuôi khép kín, góp phần hạn chế nguy cơ dịch bệnh.
Hiện tại, tổng đàn heo của tỉnh giảm 50-60% so với trước đây. Vì vậy, để vực dậy ngành chăn nuôi heo, tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về tín dụng lãi vay, con giống và có các giải pháp về thị trường đảm bảo cho người chăn nuôi có lợi nhuận đủ để tái tạo sản xuất và phát triển./.
Duy Huệ – Bảo Phúc
Ý kiến ()