Thứ Hai, 24/02/2025 10:10 (GMT +7)

Người chăn nuôi tại Cần Đước ngại tái đàn sau dịch cúm gia cầm H5N1

Thứ 5, 21/02/2019 | 09:11:00 [GMT +7] A  A

Sau một tháng xảy ra dịch cúm H5N1 tại xã Long Sơn – huyện Cần Đước, với sự tập trung chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, dịch bệnh được khống chế không lây lan trên diện rộng, người dân nâng cao ý thức hơn trong công tác chăn nuôi, phòng chống dịch gia súc gia cầm.

Ngày 22/1/2019, Uỷ ban nhân dân huyện Cần Đước công bố hết dịch bệnh cúm A/H5N1 trên gia cầm. Thời gian xảy ra dịch cúm cận kề tết nguyên đán, nhưng với sự tập trung chỉ đạo, khống chế từ các ngành các cấp, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn tiêu thụ được sản phẩm. Tuy nhiên, giá gà thịt và trứng thấp hơn so với mọi năm, người chăn nuôi lợi nhuận không cao. Đặc biệt, sau dịch cúm, nhiều hộ chăn nuôi tại xã Long Sơn hạn chế tái đàn và đang trong quá trình cải tạo, vệ sinh chuồng trại, đảm bảo an toàn để tái đàn trong thời gian sớm nhất .

Dịch bệnh sớm được khống chế, không lây lan trên diện rộng

Ông Bùi Thanh Sơn – Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Dịch bệnh xảy ra tại hộ ông Điền Văn Kiều – ấp 4, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Nguyễn Thị Lệ Thủy – ấp 2, xã Long Sơn tổng thiệt hại trên 5.500 con, hiện nay các hộ đang trong tình trạng khó khăn, vừa lo sợ dịch bệnh, vừa thiếu vốn để tiếp tục tái đàn. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương cũng đã có văn bản đề nghị ngành chức năng hỗ trợ trên 156 triệu đồng/3 hộ, làm vốn phục hồi sản xuất.

Nhiều hộ chăn nuôi bỏ trống chuồng trại chưa dám tái đàn sau dịch bệnh

Thời gian tới, để ngăn chặn dịch có khả năng tái phát, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái, UBND huyện Cần Đước yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các hộ chăn nuôi; tiếp tục vận động nhân dân nâng cao ý thức, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; phát hiện nhanh và có biện pháp xử lý triệt để ngay từ đầu đối với các ổ dịch nghi ngờ hoặc bệnh có triệu chứng điển hình, nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Riêng ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra, đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi.

Kim Thoa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu