Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 04:50 (GMT +7)
Người nối nhịp cầu hữu nghị Việt Nam – Campuchia
Thứ 7, 08/04/2017 | 10:48:00 [GMT +7] A A
Xuất thân từ gia đình nhà nông nghèo ở xã Định Hòa, huyện Gò Quao, cũng như bao thanh niên khác, năm 1994, Danh Ngọc Sang viết đơn tình nguyện gia nhập quân đội rồi được chọn vào lực lượng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang.
Trung tá Danh Ngọc Sang (phải) nhận Huân chương Hữu nghị của Thủ tướng Campuchia tặng. |
Hơn 20 năm công tác trong quân ngũ, trung tá Danh Ngọc Sang luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được đồng đội tặng cho danh hiệu “cán bộ Biên phòng giỏi một việc, biết nhiều việc”.
Sau khi nhập ngũ, năm 1995, Danh Ngọc Sang được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cử đi học tại Học viện Biên phòng. Sau 5 năm miệt mài học tập, ra trường, Sang được nhận nhiệm vụ mới tại Đồn Biên phòng Phú Mỹ, huyện Giang Thành.
Công tác trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, Danh Ngọc Sang không ngừng trao dồi đạo đức, lối sống, lễ tiết, tác phong quân nhân, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm công tác từ những người đi trước; gần dân, bám địa bàn, tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương, các đoàn thể, người có uy tín; vận dụng linh hoạt kiến thức đã học vào tình hình thực tế vùng biên để thực hiện nhiệm vụ.
Qua 3 năm công tác tại huyện vùng biên Giang Thành, Danh Ngọc Sang tham gia giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, đối ngoại biên phòng, tham gia phong trào “Tự quản đường biên, cột mốc”, xây dựng thế trận biên phòng vững mạnh; tham mưu giúp địa phương phát triển kinh tế, xây dựng xóm, ấp văn hóa, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Năm 2002, Danh Ngọc Sang được cấp trên điều về công tác tại Ban Vận động quần chúng, Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang. Từ đó, Danh Ngọc Sang được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao nhiệm vụ phiên dịch tiếng Khmer giúp đơn vị trong công tác đối ngoại.
Danh Ngọc Sang cùng đồng đội tham mưu phòng và Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đề ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp nhằm tăng cường quốc phòng – an ninh, củng cố chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội vùng đồng bào Khmer nơi biên giới, hải đảo. Danh Ngọc Sang vừa công tác, vừa nghiên cứu tài liệu, giáo trình tiếng Khmer, cập nhật thông tin mạng để nâng cao trình độ trong lĩnh vực dịch thuật, phát âm tiếng Khmer ngữ.
Năm 2006, UBND tỉnh Kiên Giang thành lập đội phân giới, cắm mốc, Danh Ngọc Sang được giao nhiệm vụ phiên dịch cho đội và làm công tác tuyên truyền trong quá trình phân giới, cắm mốc. Bằng những hiểu biết về tập quán, tính ngưỡng, khả năng dịch thuật, anh đã dịch đúng, xác nghĩa với từ ngữ biên giới, từ địa phương giúp cho phía Việt Nam và đội phân giới, cắm mốc phía bạn Campuchia hiểu biết lẫn nhau, thống nhất đi đến việc hoạch định phân giới cắm mốc một cách nhanh nhất, chính xác nhất.
Ngoài nhiệm vụ dịch thuật, Danh Ngọc Sang tranh thủ gặp gỡ nhân dân, lực lượng vũ trang nước bạn khi có điều kiện để tuyên truyền cho nhân dân hai bên biên giới, đặc biệt trong nhiệm vụ phân giới cắm mốc. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn giữa Kiên Giang và Campuchia hoàn thành được 22/28 cột mốc chính, xác định và cắm được 60/79 cột mốc phụ, phân giới 30,3 km đường biên.
Năm 2015, Danh Ngọc Sang được phân công làm Trưởng Ban Vận động quần chúng. Với vai trò làm tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang về phát triển kinh tế vùng đồng bào biên giới, hải đảo, Danh Ngọc Sang đã vận dụng linh hoạt kinh nghiệm nhiều năm công tác, sống với đồng bào nghèo nên tham mưu, đề xuất đơn vị thực hiện nhiều mô hình, chương trình hành động thiết thực, giúp phát triển kinh tế vùng biên.
Nổi bật, Danh Ngọc Sang tham mưu Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tổ chức triển khai tốt việc ký kết nghĩa 5 cụm dân cư hai bên biên giới; tham mưu thực hiện tốt chương trình “nâng bước em đến trường”, chương trình nghệ thuật “Biên giới khúc tình ca” và “tết quân – dân”…
Đại tá Đặng Văn Thống, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết, Danh Ngọc Sang giữ vai trò quan trọng trong công tác phiên dịch đối ngoại của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang.
Mỗi năm, đồng chí Sang dịch thuật hàng chục lượt trong các cuộc hội đàm, gặp gỡ thăm hỏi, phối hợp hoạt động giữa Bộ Chỉ huy Bộ dội Biên phòng Kiên Giang và các lực lượng vũ trang nước bạn Campuchia. Trong công tác phiên dịch, Danh Ngọc Sang tạo sự tin tưởng cao của lực lượng vũ trang và chính quyền nước bạn, tạo động lực giữ mối quan hệ đoàn kết giúp đỡ nhau, cùng hợp tác và phát triển, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Chính với sự đóng góp của đồng chí Danh Ngọc Sang, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen tặng Huân chương Hữu nghị cho Trung tá Danh Ngọc Sang vì có thành tích tốt trong công tác phối hợp, giúp đỡ xây dựng và phát triển đơn vị thuộc Quân khu 3, Quân đội Hoàng gia Campuchia; Cục an ninh Tây Nam bộ tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp đảm bảo an ninh quốc gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia.
Ý kiến ()