Tất cả chuyên mục
![](https://media.la34.com.vn/upload/files/logo/Logo_LA34.svg.png)
Trở về đời thường sau chiến tranh, đối mặt với không ít khó khăn nhưng thương binh Đỗ Văn Tâm luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế” đóng góp công sức của mình cho xã hội, thi đua làm kinh tế, chung sức xây dựng quê hương.
Ở tuổi 18, khi vừa tốt nghiệp THPT, chàng trai trẻ Đỗ Văn Tâm lên đường nhập ngũ, tham gia chiến trường biên giới Tây Nam. 4 năm sau, bị thương nặng, được đồng đội đưa về quê hương. Khi ấy, điều kiện kinh tế khó khăn cùng với thuốc men thiếu thốn, ông trải qua 3 lẫn phẫu thuật, “đau như chết đi sống lại”. Mất một chân phải, việc đi đứng và sinh hoạt của ông rất bất tiện. Lúc đó, ông nghĩ cuộc đời mình đi vào ngõ cụt. Được sự động viên, an ủi từ gia đình và đồng đội, ông lấy lại tinh thần và bắt đầu tập đi chân giả. Phải mất khá nhiều thời gian, người thương binh, cựu chiến binh ấy mới hồi phục được một phần sức khỏe.
Thương binh Đỗ Văn Tâm luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Với tỷ lệ thương tật hơn 80%, năm 1986, vượt qua sự mặc cảm, ông đi học nghề tại cơ sở của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; học thêm tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Sau đó, ông được phân công về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghề Long An. Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà thoáng mát, vợ chồng ông tự hào về sự trưởng thành của các con. Người con trai lớn tốt nghiệp Đại học và có việc làm ổn định, con gái út đang theo học Đại học. Tâm sự với chúng tôi, ông cho biết: “Nhớ lại thời gian đó, tôi cứ nghĩ cuộc đời mình không có lối thoát. Nhưng may mắn, hạnh phúc mỉm cười với tôi. Đó là sự yêu thương, chia sẻ, thông cảm của người vợ, tiếp đến là những đứa con ngoan ngoãn. Hơn nữa, gia đình tôi được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, cuộc sống mới được như ngày nay”.
Ngoài thời giảng dạy trên lớp, ông còn tranh thủ nhận sửa chữa các loại máy điện tử, đồ dùng trong sinh hoạt gia đình. Từ căn nhà lá ban đầu, vợ chồng ông được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Cứ thế, vừa làm vừa tích góp, vợ chồng ông mua sắm đầy đủ tiện nghi, cuộc sống trở nên sung túc. 58 tuổi đời, ông Tâm có đến 34 năm tuổi Đảng, nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen từ cấp cơ sở đến Trung ương vì sự vượt khó, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Dù cơ thể không được lành lặn nhưng ông có nhiều cố gắng, giúp đỡ một số hội viên khác, gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền.
Trở về sau cuộc chiến, dù những cơn đau vẫn đeo đẳng nhưng thương binh Đỗ Văn Tâm luôn rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Thương binh Đỗ Văn Tâm thật sự là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo./.
Kim Ngân-Lê Quang
Ý kiến ()