Thứ Tư, 22/01/2025 11:48 (GMT +7)

Người tiêu dùng hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực

Thứ 2, 15/07/2019 | 09:47:00 [GMT +7] A  A

Nhiều mặt hàng “made in EU” nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giảm giá theo lộ trình cam kết khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực.

Giá xe sang sẽ giảm

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về EVFTA, cho biết: Theo cam kết về ô tô trong EVFTA, những xe trên 2.500 phân khối mức thuế sẽ giảm dần đều trong 9 năm về 0%. Loại xe dưới 2.500 phân khối thì trong 10 năm thuế về 0%. Riêng phụ tùng ô tô là 7 năm. Cam kết này chắc chắn sẽ tạo sức cạnh tranh cho ô tô của EU tại thị trường Việt Nam và phân khúc xe sang của EU sẽ giảm giá bán.

Mẫu ô tô của hãng Audi tại Triển lãm ô tô quốc tế New York, Mỹ hồi tháng 4/2019. Ảnh: THX/TTXVN

“Lưu ý, phụ tùng ô tô sẽ giảm giá nhanh hơn nên các chủ phương tiện hiện sở hữu xe châu Âu như Audi, Mercedes, BMW… thời gian tới sẽ mất chi phí bảo hảnh, bảo dưỡng ít đi”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay.

Mặt khác, sau 5 năm EVFTA có hiệu lực, Việt Nam chấp nhận giấy chứng nhận chất lượng của EU, tức là xe châu Âu nhập vào Việt Nam sẽ không cần công đoạn chứng nhận chất lượng (tất nhiên có đi kèm điều kiện), cũng tạo điều kiện hơn nữa cho xe của EU nhập vào Việt Nam.

Khảo sát thị trường hiện nay, ô tô châu Âu nhập khẩu về Việt Nam hầu hết là xe hạng sang như Mercedes, Audi, BMW, Land Rover; siêu sang như Rolls Royce, Bentley, Lamborghini, Ferrari… cùng một số dòng bình dân như Volkswagen, Volvo, Peugeot… Theo tính toán, bình quân một năm giảm thuế nhập khẩu 7%, một chiếc xe nhập nguyên chiếc từ châu Âu, động cơ 2.0, có giá khai báo 30.000 USD sẽ giảm khoảng 2.100 USD. Hơn nữa, do cách thu thuế chồng thuế, nên giảm thuế nhập khẩu còn giúp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Tính ra, số tiền giảm được tới hơn 3.000 USD, tương đương với khoảng 70 triệu đồng.

Tuy nhiên, với từng dòng xe sẽ có các lộ trình giảm khác nhau. Chẳng hạn, với dòng xe dung tích xi lanh dưới 2.5, hiện Việt Nam áp dụng thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) ở mức cuối cùng là 70%, trong khi mức thuế cơ sở của EVFTA ban đầu là 78% với xe dưới 3.0, nên năm đầu tiên giảm thuế theo EVFTA, thuế nhập khẩu còn 71% chỉ tương đương với mức thuế MFN hiện hành. Do đó, năm đầu tiên thực hiện EVFTA, giá dòng xe này nhập từ châu Âu không giảm so với hiện nay. Từ năm thứ hai trở đi, thuế nhập khẩu giảm tiếp mới giúp giá xe nhập từ châu Âu hưởng thuế EVFTA giảm.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, sau 4 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, những chiếc xe có giá bán từ 1,5 tỷ đến 3 tỷ đồng, dung tích xi lanh dưới 2.5 sẽ giảm từ hơn 200 – 400 triệu đồng. Giá xe giảm trong khi thu nhập người dân ngày càng tăng nên nhiều người sẽ sắm được xe sang.

Hàng châu Âu sẽ xuất hiện nhiều hơn

Đối với các sản phẩm nông nghiệp, cụ thể là các loại thịt được đoàn đàm phán EVFTA quan tâm. Quá trình giảm thuế với các loại thịt lợn, thịt bò, thịt gà của châu Âu có thể ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Tuy nhiên nhìn ở góc độ tích cực, nó cũng giúp ngành chăn nuôi trong nước vươn lên để tăng sức cạnh tranh, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi kép từ 2 phía.

Lộ trình giảm thuế trong EVFTA cho thịt bò châu Âu về 0% là 3 năm, thịt lợn là 9 năm và thịt gà là 10 năm. Hiện nay, thịt lợn và gà trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân nhưng EU cũng mạnh ở những mặt hàng này, nhất là thịt lợn.

“Châu Âu đứng đầu về xuất khẩu thịt lợn trên thế giới. Trong 10 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu thịt lợn thì đã có 7 nước là thuộc EU. Riêng Đức xuất khẩu 4,4 tỷ USD thịt lợn, gần bằng nước nhiều nhất là Mỹ. Vì vậy khi mở cửa, Bộ chủ trương kéo giãn thời gian giảm thuế tới 9 năm, để ngành chăn nuôi tái cơ cấu đàn, ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi, nhằm tăng năng suất, giảm giá thành”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ.

Bên cạnh đó, cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, 9 năm nữa thì thịt lợn từ EU sẽ xuất hiện nhiều hơn trên thị trường. Tuy nhiên chỉ mang tính bổ sung cho nhu cầu trong nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng khác nhau của người dân, chứ không thể gây khó cho thị trường, vì ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển nhanh.

Hàng hóa châu Âu sẽ xuất hiện nhiều hơn trong siêu thị Việt Nam. Ảnh: Hoàng Dương

Các sản phẩm bơ sữa, bánh kẹo của châu Âu cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn trên các kệ siêu thị tại Việt Nam khi giá giảm đáng kể. Riêng với sữa nhập khẩu của EU, lộ trình xóa bỏ thuế là sau 5 năm. Tuy nhiên, điều này sẽ không có tác động đến ngành sữa vì EU không phải khối nước quá mạnh về xuất khẩu sữa, mà thiên về phòng thủ hơn là tấn công trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, với sữa tươi thì không nước nào cạnh tranh được với Việt Nam vì sữa tươi không lưu giữ quá 4 ngày. Thị trường hơn 90 triệu dân sẽ là của doanh nghiệp trong nước. Với các sản phẩm chế biến từ sữa bột như sữa hoàn nguyên, sữa chua, sữa công thức… thì cả Việt Nam và EU đều phải nhập sữa bột từ New Zealand về chế biến, nên bên nào có hệ thống phân phối tốt hơn, thương hiệu, hậu mãi tốt hơn… sẽ có lợi nhuận.

Theo Hoàng Dương/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu