Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 14:32 (GMT +7)
Nguyên nhân nợ xấu: Vay vốn kinh doanh mạo hiểm, mua xe sang để đi
Thứ 4, 07/06/2017 | 14:55:00 [GMT +7] A A
Chỉ ra một trong những nguyên nhân gây ra nợ xấu, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, đó là do ý thức của người vay. Có trường hợp người dân vay vốn nhưng không thực hiện đúng mục đích khi vay, kinh doanh mạo hiểm, thậm chí còn mua xe sang để đi.
Sáng nay 7/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề “nóng” nhất trong thời gian gần đây và được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Báo cáo mới đây của Thống đốc ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Tại phiên thảo luận, phần lớn đại biểu rất ủng hộ việc Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu, thống nhất nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và phải quy trách nhiệm nghiêm khắc với người, tổ chức đã gây ra nợ xấu.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Bày tỏ sự đồng tình cao với việc cần thiết có nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định, nợ xấu là vấn đề được Quốc hội, đại biểu, cử tri, đặc biệt là hệ thống ngân hàng quan tâm. Nợ xấu được ví như “cục máu đông” có thể làm “đột quỵ” hoặc “đe dọa tính mạng” ngay trước mắt. Giải quyết nợ xấu đã có nhiểu giải pháp nhưng chưa được xử lý triệt để, chưa hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chỉ ra việc nợ xấu khó xử lý, nguyên nhân là do hệ thống chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ được quyền hợp pháp của các tổ chức tín dụng. Pháp luật quy định xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu.
“Ngoài nguyên nhân này, thì nguyên nhân nữa là, ý thức của người dân khi đi vay vốn không thực hiện đúng mục đích khi vay, kinh doanh mạo hiểm, thậm chí còn mua xe sang để đi. Thế nên có câu nói vui “tiền thì tiền ngân hàng, người thì người trại giam”. Chưa nói đến một số chủ trương cho vay là có chỉ đạo, như mía đường, nuôi tôm, ngay như thực hiện Nghị định 67 cũng là chỉ định để cho vay vốn”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Do đó, theo các đại biểu, Quốc hội ban hành nghị quyết này là cần thiết, tạo hành lang pháp lý để xử lý kịp thời nợ xấu, đáp ứng lưu thông tiền tệ trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, dự thảo nghị quyết còn thiếu cơ chế xử lý các khoản nợ, đặc biệt là cơ chế để giải quyết các khoản nợ có tranh chấp; cần quy định rõ các khoản nợ xấu phát sinh khi nghị quyết hết hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó cũng cần có biện pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh…
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng cho rằng, cần có đánh giá tác động toàn diện hơn khi thực hiện nghị quyết này vì liên quan đến đời sống của người dân.
Về thời gian thi hành của nghị quyết, theo các đại biểu cần tính toán kỹ vì thời hiệu thi hành theo dự thảo quy định 5 năm là chưa hợp lý. “Nợ xấu có thể giải quyết trong thời hạn này hoặc ngắn hơn. Nếu trong thời gian 5 năm mà có luật rồi thì có thể điều chỉnh bằng luật. Còn nếu trong thời gian 5 năm đấy nợ xấu vẫn tiếp tục mà chưa có hệ thống pháp luật thì phải dùng nghị quyết này để điều chỉnh”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề xuất.
Ý kiến ()