Thứ Bảy, 02/11/2024 01:32 (GMT +7)

Nhà đầu tư bất an khi chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh

Thứ 6, 08/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Các nhà đầu tư tại một công ty chứng khoán ở Bắc Kinh ngày 7/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến đà sụt giảm mạnh ngay trong phiên giao dịch mở đầu Năm mới 2016 (4/1) khi giảm tới 7% khiến hệ thống đã phải ngừng giao dịch tự động trước giờ đóng cửa.

Tiếp đó, trong ngày giao dịch thứ hai 5/1, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn tiếp tục biến động mạnh, và đóng cửa trong trạng thái giảm nhẹ dù Trung Quốc đã bơm tới 20 tỷ USD vào thị trường để tránh một sự sụp đổ hệ thống tiếp theo.

Trong ngày giao dịch thứ tư của năm 2016 (ngày 7/1), chứng khoán Trung Quốc lại một lần nữa phải đóng cửa tự động. Như vậy, chỉ sau bốn phiên đầu năm 2016, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất trên 10% và xóa sạch những nỗ lực hồi phục kể từ sau sự “sụp đổ” của thị trường từ giữa năm 2015.

Những diễn biến trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cho thấy nhà đầu tư vẫn trong trạng thái bất an trước những tín hiệu thiếu bền vững từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và một bộ phận các nhà đầu tư lớn nắm nhiều cổ phiếu vẫn đang chờ cơ hội “xả hàng” để thoái vốn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Điều này trùng với thời điểm lệnh cấm các nhà đầu tư sở hữu trên 5% vốn bán cổ phiếu trong thời hạn sáu tháng kể từ tháng 6/2015 hết hạn ngày 8/1.

Tuy vậy, tình hình hiện nay khác với thời điểm giữa năm 2015 khi thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh tới 40%. Chính sự “sụp đổ” của thị trường cổ phiếu Trung Quốc giữa năm 2015 vừa qua đã khiến Trung Quốc phải tiến hành các biện pháp khắc nghiệt như cấm các nhà đầu tư lớn (nắm trên 5% cổ phiếu) bán cổ phiếu trong vòng sáu tháng, áp dụng cơ chế ngừng giao dịch tự động khi chỉ số sụt giảm tới 7%….

Và ngày 4/1 vừa qua là lần đầu tiên hệ thống tự động ngừng giao dịch. Phiên giao dịch cho thấy nhà đầu tư và thị trường cảm thấy lo lắng về “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc cũng như tính ổn định của đồng nhân dân tệ. Trong sáng ngày 7/1, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) lại tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ thêm 0,5%.

Việc lựa chọn mức tăng/giảm 7% là mức “chốt” để hệ thống tự động ngừng giao dịch một mặt có thể giúp thị trường khỏi sụp đổ trong trường hợp thị trường quá hoảng loạn. Nhưng ở khía cạnh khác nó làm thị trường thêm lo lắng và có thể dẫn tới những quyết định “tháo chạy” trong các phiên tiếp theo khi nhà đầu tư cảm thấy không bán được cố phiếu. Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đưa ra mức tăng/giảm 7% thì đóng cửa thị trường là quá hẹp.

Ngoài ra, việc cấm các nhà đầu tư lớn bán cổ phiếu là một biện pháp phi thị trường. Chính những biện pháp này của Trung Quốc lại có thể làm mất thêm niềm tin của nhà đầu tư.

Có thể coi hai phiên sụt giảm tới 7% trong những ngày đầu năm là một sự “sụp đổ nhỏ” của thị trường chứng khoán Trung Quốc, đưa chỉ số trên sàn giao dịch Thượng Hải về cận ngưỡng tâm lý nguy hiểm 3.000 điểm, tức về gần tới mức thấp nhất trong đợt sụt giảm giữa năm 2015. Đây là một dấu hiệu khá lạ bởi trong những ngày cuối năm 2015 và đầu năm 2016, các chỉ số của nền kinh tế Trung Quốc cơ bản ổn định, ngoại trừ có yếu tố tác động từ tình hình khủng hoảng chính trị tại Trung Đông giữa Iran và Saudi Arabia và tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom H.

Sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và những câu hỏi về tình hình “sức khỏe” của nước này đã có tác động mạnh tới thị trường chứng khoán toàn cầu. Các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ cũng giảm mạnh trong phiên đầu năm và tiếp tục giảm trong các phiên tiếp theo.

Riêng trong ngày 4/1, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm tới 2,47%, chỉ số DAX 30 của Đức giảm tới 4,28%, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ cũng giảm tới 2,4%. Các chỉ số chứng khoán trên thế giới giảm mạnh do lo ngại về sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và những căng thẳng địa chính trị, nhất là tại khu vực Trung Đông và bán đảo Triều Tiên. Tuy vậy, giới phân tích vẫn tỏ ra ngạc nhiên vì sự suy giảm trong tăng trưởng của Trung Quốc không phải là thông tin mới. Điều đó cho thấy, bất kỳ một tin tức mới nào về những điểm yếu của Trung Quốc cũng có thể khiến thị trường toàn cầu phản ứng mạnh tại thời điểm này. Khó có thể hiểu được các mối liên hệ, tác động của thị trường chứng khoán Trung Quốc sang các thị trường châu Âu và thế giới.

Chính phủ và nhà chức trách Trung Quốc đang cố gắng hết mức để tránh những cú sốc chứng khoán và đã đưa ra các biện pháp mới trên thị trường (có thể gia hạn lệnh cấm các nhà đầu tư lớn nắm từ 5% cổ phiếu các công ty niêm yết không được bán cổ phiếu, tạm ngừng IPO các doanh nghiệp mới…). Vấn đề là nếu thường xuyên thay đổi các quy định hay luật lệ lại gây ra những tác động tiêu cực bởi nhà đầu tư sẽ có xu hướng rời bỏ các thị trường thiếu ổn định để tìm đến những nơi có tính an toàn hơn.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra các chương trình kích thích kinh tế, bơm tiền ra thị trường, tăng tín dụng cho thị trường bất động sản…. Nhưng vấn đề lớn của Trung Quốc hiện nay lại nằm trong việc làm sao cơ cấu lại hệ thống các doanh nghiệp nhà nước đang chiếm nguồn lực lớn nhưng làm ăn không hiệu quả, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đang muốn đem tiền ra nước ngoài thay vì đầu tư trong nước.

Về chính sách tiền tệ, PBoC đang tính tới việc tiếp tục cắt giảm lãi suất để hướng dòng tiền vào thị trường và đầu tư. Tuy vậy, khó có thể nói các biện pháp của Chính phủ Trung Quốc có thể ngăn được một sự sụp đổ tiếp theo của thị trường chứng khoán trong thời gian tới./.

VIỆT SƠN (TTXVN/VIETNAM )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu