Thứ Sáu, 17/01/2025 05:06 (GMT +7)

Nhà sử học Pháp: Ngày 30/04/1975 mang tầm vóc lịch sử đích thực

Chủ nhật, 01/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Ngày 28/04, tại buổi lễ kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam, nhà sử học người Pháp, chuyên gia về chiến tranh Đông Dương Alain Rouscio đã có bài phát biểu bày tỏ cảm nghĩ sâu sắc khi nhìn lại những giai đoạn khó khăn của Việt Nam, vươn lên sau chiến tranh. VOV.VN xin giới thiệu bài phát biểu gây chú ý của nhà sử học Alain Rouscio.

nha su hoc phap: ngay 30/04/1975 mang tam voc lich su dich thuc hinh 0
Nhà sử học người Pháp Alain Rouscio đang phát biểu.

Khi ngài đại sứ đề nghị tôi phát biểu tối nay, tôi đã tự hỏi: vinh dự này có ý nghĩa thế nào với tôi? Phải chăng là sự tưởng niệm đến một người “trong triệu người” như lời một bài hát của Jean Ferrat dành cho một chiến binh vì hòa bình của thế hệ 68? Vì “chiến binh” bao giờ cũng làm liên tưởng đến từ “cựu”, dù sự đánh giá này còn lớn hơn là sự trân trọng. Điều đó còn nhắc nhở tôi rằng mình đã ở bên bờ tuổi già.

Nhưng, như ở Việt Nam mọi người vẫn nói, tuổi già là một biểu hiện của sự thông thái. Vì thế, tôi nhận lời phát biểu. Từ góc nhìn của một người bạn suốt từ năm 1978 đến nay thường xuyên đến Việt Nam, đã chứng kiến đất nước này nghèo khó, tàn tạ đến mức nào và ngày nay lại chứng kiến nó năng động, hội nhập, giữa hàng vạn trái ngang và bất công xã hội, để tiến bước trên con đường thịnh vượng.

Vâng, tôi có thể kể lại.

Rằng tôi đã thấy người dân nơi đó đói nghèo trong im lặng, khoác trên mình những bộ quần áo cũ kỹ, thậm chí rách nát, đi trên những chiếc xe đạp cọt kẹt trên những con phố hay làng mạc. Nhưng tôi cũng thấy những hàng dài trẻ em nối đuôi nhau đến trường, những bác sỹ Việt Nam lao mình vào công việc mà không tính toán, những nhà nghiên cứu ở Viện Pasteur cống hiến mà không so đo.

Vâng, tôi có thể kể lại.

Rằng tôi đã chứng kiến dân tộc này bước ra khỏi 30 năm chiến tranh nhưng rồi vào mùa Xuân 1979 lại chìm vào bi kịch của một cuộc chiến tranh khác với những người mới ngày hôm qua cứ ngỡ là anh em, bị quấy nhiễu ở phía Nam bởi Khơ-me đỏ, phía Bắc bởi người láng giềng to lớn và bị lên án trên trường quốc tế. Nhưng rồi lại bước ra khỏi bi kịch đó với tư thể ngẩng cao đầu.

Vâng, tôi có thể kể lại.

Rằng nhân dân Việt Nam, ngay cả trong những thời khắc tồi tệ nhất, cũng không ngừng hát và cười vui, từ những người bán Phở trên đường phố, từ những anh cán bộ nhỏ bé cho đến những nhà lãnh đạo là học trò cưng của Bác Hồ, như các vị Phạm Văn Đồng hay Võ Nguyên Giáp mà ngày đó tôi thường xuyên được gặp.

(…)

Với dân tộc thấm đẫm lịch sử này, mọi thứ đều trong trạng thái chuyển động.

Và sự chuyển động đó vẫn chưa dừng lại.

Nhưng hôm nay chúng ta có mặt ở đây để nói về ngày 30/4/1975 và về việc thống nhất đất nước 1 năm sau đó.

Từ trước đến nay, khi nói về cuộc chiến tranh trên đất Việt Nam, cụm từ hay được dùng là “cuộc chiến dài nhất thế kỷ 20”. Khó mà phản bác được điều này! Đây là cơ hội cho chúng tôi, những người Pháp, nhắc nhở lại rằng chính đất nước chúng tôi – hay chính xác hơn là chính chủ nghĩa thực dân đã thống trị ở đất nước chúng tôi ngày đó – là căn nguyên của tấm bi kịch này.

Liệu có cần nhắc lại về sự kiện tháng 9/1945, với cuộc tấn công vào Ủy ban Nam Bộ ở Sài Gòn, về chuyến đi của Hồ Chí Minh đến Pháp mùa Hè 1946 để tìm kiếm người đối thoại mà tất cả đều tránh mặt, về vụ đánh bom cũng trong tháng 11 năm đó ở Hải Phòng? Đó là thời điểm then chốt bắt đầu tấm bi kịch của Việt Nam và nói đến giai đoạn này, tôi không thể không xúc động nghĩ đến người bạn thân thiết Philippe Devillers của chúng tôi, người đã rời bỏ chúng tôi ra đi trong năm nay nhưng bao đóng góp trong các tác phẩm của ông đã giúp soi rọi giai đoạn lịch sử này.

Rồi sau đó, tất cả sự kiện tiếp nối nhau, những vùng du kích đơn độc với các chiến sỹ đi chân đất phải đối mặt với quân đội Pháp, kéo dài đến tận Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneve và sự phản bội lại các Hiệp định. Cuộc chiến tranh tiếp theo này nhiều người gọi là “cuộc chiến Việt Nam thứ hai”, nhưng tôi nằm trong số những nhà quan sát cho rằng từ trước đến sau chỉ có một cuộc xung đột duy nhất, tất nhiên là có các khoảng tạm ngưng, xuất phát từ sự vi phạm trắng trợn một Hiệp định quốc tế, ban đầu là từ phía Mỹ, với sự đồng lõa của Paris và trong sự im lặng của Bắc Kinh và Moscow.

Vậy là 30 năm chiến tranh diễn ra, từ 1945 đến 1975.

Cuối cùng ngày 30/4/1975 cũng đến. Giai đoạn đó đích thực là mang tầm vóc lịch sử, dù từ này có thể còn chưa diễn tả hết.

Lịch sử, vì ngày này rõ ràng là thế với những người tiên phong. Với Việt Nam, đó là lần đầu tiên sau 120 năm, toàn bộ lãnh thổ quốc gia hoàn toàn tự do, không nằm trong tay bất cứ thế lực ngoại bang nào. Với Mỹ, thất bại này là lần đầu với mức độ chưa từng thấy trong lịch sử quốc gia, để lại thương chấn lâu dài. Nhưng ý nghĩa sâu rộng của sự kiện này vượt quá khuôn khổ song phương giữa hai quốc gia.

Cường quốc quân sự, chính trị, kinh tế hùng mạnh nhất thế giới trong thế kỷ 20, bất chấp những phương tiện khổng lồ đã huy động, đã chứng tỏ sự bất lực trong việc đập tan một phong trào nhân dân được sự ủng hộ của dư luận thế giới và được sự trợ giúp của các nước xã hội chủ nghĩa thời đó.

Dĩ nhiên là những tiến triển trong quan hệ quốc tế rất nhanh sau đó đã không củng cố được sự lạc quan của mùa Xuân 75, thậm chí còn ngăn trở, nhưng rõ ràng là thế giới đã không còn như trước, trước và sau chiến thắng của Việt Nam.

Nhưng chiến thắng này, nhân dân Việt Nam cũng đã phải trả giá quá đắt.

Ở miền Bắc đất nước, hơn 4.000 trên tổng số 5.778 xã, vào lúc này hay lúc khác, đã phải hứng chịu bom đạn nhiều lần. Trong số 30 thị xã, 28 bị đánh bom. 3.000 trường học, 500 bệnh viện, hàng chục nghìn nhà ở, công trình xây dựng… bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần. Ở miền Nam, nông thôn hứng chịu hậu quả khủng khiếp. Trên khắp cả nước, từ cánh đồng, ruộng vườn cho đến núi rừng còn vô số những quả bom chưa nổ. Đấy là chưa nói đến những chất diệt cỏ đã đầu độc đất đai, nguồn nước như tựa đề trong cuốn sách mới xuất bản (Cuốn “Mảnh đất của tôi bị đầu độc”- PV) của người bạn Trần Tố Nga của chúng ta, một người phụ nữ quả cảm phi thường mà vào lúc này đang đưa ra công lý những công ty Mỹ phải chịu trách nhiệm.

Vào năm 1975, Việt Nam phải đối mặt với tất cả, một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, Việt Nam vào lúc đó, được các nước bạn bè tán dương – có thể là hơi quá, lại nghèo, quá nghèo.

Thế nên các năm sau đó thật là khốc liệt..

Đó là những năm tháng bị cô lập. Thế giới tư bản thì thù địch (Mỹ cấm vận trả thù một cách hèn hạ, còn sự thù địch của Pháp chỉ bị phá vỡ sau chuyến thăm của Tổng thống Francois Mitterand năm 1993), láng giềng phía Bắc thì hung hăng, thường xuyên âm mưu xâm chiếm lãnh thổ trên đất liền và trên biển, một khối COMECON (Khối tương trợ kinh tế các nước XHCN) tan rã, rồi một Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, khi đó là các đồng minh duy nhất của Việt Nam, sụp đổ…

Nước Việt Nam khi đó trong tình trạng bị treo (trên án tử). Các mối quan hệ quốc tế trống rỗng đến khiếp sợ và ở ngã ba đường, nhà nước Việt Nam phải lựa chọn: một sự cô lập chẳng huy hoàng gì hay một sự chấp nhận thực tế, có nghĩa là hội nhập với thế giới. Cảm nhận được tình huống này, năm 1986 Việt Nam đã lựa chọn Đổi mới.

Đó là lúc bắt đầu cho một xuất phát điểm mới hướng đến tăng trưởng và một sự phồn thịnh nhất định, với cái giá, như tôi đã nói, là những mâu thuẫn mới, và tại sao lại phủ nhận, một bên là những căng thẳng xã hội và một bên là tham nhũng, từ xuất hiện thường xuyên trên báo chí Việt Nam.

Chúng tôi, những người bạn của Việt Nam, đã luôn ở đây, luôn bên cạnh các bạn. Nhưng chúng tôi cũng đã bỏ lại từ lâu chủ nghĩa lãng mạn của những năm tháng chiến tranh, của những lý tưởng khẩu hiệu, và giờ chúng tôi lại chăm chú lắng nghe những tiếng nói ngày càng đa dạng hơn đang nổi lên trong xã hội Việt Nam. (…)

Chúng tôi luôn luôn trung thành với một ý nghĩa đã luôn dẫn lối chúng tôi bao lâu nay: đó là chúng tôi là những người bạn, thậm chí là những người anh em, với nhân dân Việt Nam. Nhưng chúng tôi không phải là người dân Việt Nam. Con đường là do nhân dân Việt Nam lựa chọn. Đó thực ra là điều mà nhân dân Việt Nam đã luôn thực hiện, mà không cần xin phép bất cứ kẻ nào. Đó là những gì mà nhân dân Việt Nam vẫn đang tiếp tục thực hiện./.

VOV-VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu