Chủ Nhật, 29/12/2024 04:33 (GMT +7)

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Văn học đề cao những mảng sáng, chỉ ra mảng tối

Thứ 2, 03/04/2017 | 14:48:00 [GMT +7] A  A

Trong suốt 60 năm phát triển, đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, Hội Nhà văn Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức và cũng đã để lại nhiều dấu ấn trong sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nhân dịp Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (1957-2017), Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam để làm rõ hơn những thành tựu nổi bật của Hội cũng như hướng phát triển tiếp theo của văn học nước nhà.

Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Thưa ông, trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Hội Nhà văn Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật nào?

Năm 1957, Hội Nhà văn Việt Nam chính thức ra đời cùng 3 hội chuyên ngành khác là âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu trên cơ sở kế thừa truyền thống vẻ vang của Hội Văn hóa cứu quốc và Hội Văn nghệ Việt Nam. Đến nay, qua 60 năm xây dựng và phát triển, Hội Nhà văn Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật, luôn đồng hành cùng dân tộc trong quá trình giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, họ dấn thân, nhập cuộc hết mình vào cuộc sống, chiến đấu của nhân dân.

Cùng với những nhà văn đã thành danh, nhiều nhà văn trẻ đã được phát hiện, trưởng thành từ hiện thực cuộc sống. Họ đã kịp thời ghi lại những sự tích anh hùng của những con người bình thường nhưng vô cùng dũng cảm, trong sáng, nhân ái. Tác phẩm của họ đã trở thành ký ức tinh thần của dân tộc, hành trang tin cậy của nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam.

Hội Nhà văn Việt Nam cũng luôn tập hợp, đoàn kết các tài năng, xây dựng tổ chức Hội ngày càng phát triển, lớn mạnh. Ban đầu, Hội chỉ có hơn 150 thành viên, ngày nay đã có trên 1.000 nhà văn ở nhiều thế hệ, góp phần hình thành một đội ngũ sáng tác hùng hậu, đầy tâm huyết, luôn đem đến những sáng tạo mới, đa dạng, đầy sắc thái. Đặc biệt, trong Hội đã có nhiều nhà văn người dân tộc thiểu số, nhiều cây bút nữ (điều này trước kia rất hiếm).

Bên cạnh đó, Hội luôn coi trọng việc mở rộng giao lưu, hợp tác với thế giới. Ngay trong chiến tranh ác liệt, công chúng Việt Nam vẫn được thưởng thức những tác phẩm văn học kinh điển thế giới, cũng có không ít tác phẩm của Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài, giúp người dân trên thế giới nhìn thấy hình ảnh đẹp về con người, đất nước Việt Nam.

Gần đây nhất, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thành công 3 hội nghị quảng bá văn học, thu hút hàng trăm nhà văn, dịch giả nổi tiếng thế giới đến nước ta. Văn học Việt Nam cũng được giới thiệu ở hầu hết các châu lục, được dịch ra nhiều thứ tiếng…

Với phương châm “Xây dựng Hội lớn mạnh, phấn đấu cho những tác phẩm xuất sắc, khắc phục tính trung bình”, Hội luôn đề cao chất lượng và hiệu quả trong mọi hoạt động. Hội Nhà văn Việt Nam luôn trân trọng tài năng, nhất là các tài năng trẻ; khuyến khích sự phong phú, đa dạng nhất là sự tìm tòi, sáng tạo mới để có được nhiều tác phẩm chất lượng.

Sau mỗi kỳ đại hội, Hội thường tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ dành cho các tác giả chưa phải hội viên, dưới 35 tuổi. Điều này giúp nền văn học trở nên năng động, phong phú, đa dạng, giàu sức sống.

Trong giai đoạn đất nước đổi mới, Hội Nhà văn Việt Nam đã phát huy vai trò như thế nào để đóng góp hữu ích vào sự phát triển của đất nước, thưa ông?

Trong giai đoạn đổi mới, vai trò của nhà văn càng được phát huy. Cùng với việc đề cao, tôn vinh những nhân tố mới, những mảng sáng, tấm gương cao đẹp, văn học đã chỉ ra rất rõ cả những khoảng tối, biểu hiện tiêu cực, phê phán và truy đuổi cái xấu, cái ác, phơi bày những biểu hiện phi nhân tính. Bên cạnh đó, dưới ánh sáng đổi mới, các giá trị trong quá khứ được đánh giá lại, giao lưu, hợp tác quốc tế được mở rộng.

Hội cũng luôn khuyến khích, thúc đẩy đổi mới phong cách, phương pháp sáng tác, chống gò bó, chống công thức. Các hoạt động của Hội luôn cổ vũ sáng tạo, thể nghiệm độc đáo riêng của từng người, nhất là trong các cuộc thi tiểu thuyết chuyên đề, các giải thưởng hàng năm của Hội.

Bên cạnh sáng tác, Hội luôn coi trọng công tác lý luận phê bình văn học, tổ chức nhiều hội nghị lý luận phê bình văn học và các cuộc hội thảo chuyên đề, kết nạp nhiều cây bút lý luận phê bình trẻ.

Vậy theo ông, các nhà văn hiện nay nên làm gì để bắt kịp với xu thế chung, đáp ứng nhu cầu người đọc, của xã hội?

Nhìn lại quá khứ, bài học lớn nhất đối với mỗi nhà văn là phải nuôi dưỡng ngọn lửa tâm hồn, giữ cho cảm hứng sáng tạo không bao giờ được nguội lạnh, mờ nhạt. Dù ở thời điểm nào thì nhà văn cũng được coi là nhà tư tưởng, hoạt động xã hội, nhà văn hóa nên sáng tác của họ là tài sản tinh thần của xã hội.

Hội Nhà văn Việt Nam cũng như từng nhà văn phải trả lời được câu hỏi mà bạn đọc đang hy vọng, mong đợi nhà văn thể hiện thái độ như thế nào trước những vấn đề xã hội hiện nay, giữa cái đúng-cái sai,cái tốt-cái xấu.

Có thể nói vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với nhà văn là làm tạo ra được những giá trị có tính chất đánh dấu thời đại mới, những đỉnh cao nghệ thuật, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

Nền văn học cũng giống như xã hội có những trụ cột, những vấn đề trung tâm, có giá trị quan trọng nhất. Đòi hỏi lớn nhất với mỗi nhà văn là càng có thành tựu càng phải tự vượt lên chính mình để không bị bào mòn nhiệt huyết, sáng tạo. Muốn làm tốt được điều này, nhà văn phải có vốn sống, có văn hóa và có tài thực sự.

Bên cạnh đó, họ cũng phải biết nỗ lực, dùng tài năng của mình tạo thành năng lượng mới tiếp sức cho đời sống, nâng đỡ con người, tìm ra những giá trị còn khuất lấp để đề cao, làm giàu thêm các giá trị nhân văn của văn học

Vậy hoạt động của Hội thời gian tới sẽ hướng tới trọng tâm nào thưa ông?

Là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, Hội xác định nhiệm vụ chính là tập hợp, đoàn kết, nâng đỡ, động viên, khuyến khích các tài năng phát triển. Việc này sẽ tạo điều kiện để hội viên có điều kiện đi vào đời sống, hiểu đời, hiểu người; đổi mới phương thức hoạt động, coi trọng đầu tư chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Nói gọn lại Hội làm tất cả để có thêm nhiều tác phẩm hay.

Bên cạnh đó, Hội tiếp tục duy trì các khoản hỗ trợ sáng tác cho hội viên. Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã, đang và sẽ tìm mọi cách để có những sáng tác chất lượng, cải thiện hơn nữa đời sống của các nhà văn. Đặc biệt, nhiều nhà văn được tham gia các trại sáng tác, hỗ trợ sáng tác, giao lưu với các nền văn hóa trên thế giới…

Những hoạt động này đã triển khai khá hiệu quả, sắp tới, Nhà nước xem xét ban hành chính sách hỗ trợ thường xuyên để hội viên yên tâm sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật.

Dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, ngoài sáng kiến truy tặng Giải thưởng cống hiến, Hội Nhà văn cũng tập trung đầu tư chiều sâu để có các tác phẩm văn học chất lượng. Cụ thể, hội sẽ dành quan tâm lớn cho cuộc thi viết tiểu thuyết; chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức cuộc gặp mặt với các nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài dự kiến diễn ra cuối năm 2017.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mỹ Bình (Thực hiện)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu